Tôi là một người trẻ sinh năm 2004. Mới hôm qua, tôi nhận được một lời đề nghị công việc mới với vị trí trợ lý marketing từ một chủ doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quảng cáo. Thực ra, tôi không chủ động tìm kiếm công việc này, cũng không phải nhận được lời đề nghị này thông qua tài năng gì quá cao siêu. Đơn giản là tôi có mối quan hệ quen biết với chủ doanh nghiệp từ trước khi thi đại học.
Mọi thỏa thuận trao đổi giữa hai bên diễn ra khá ổn thỏa, cho đến khi người chủ doanh nghiệp kia nói rằng công ty sẽ ký cam kết làm việc ít nhất sáu tháng với tôi. Nghe vậy, tôi vô cùng bất ngờ vì quy định này có phần không phù hợp cho lắm.
Đầu tiên, dựa vào hiểu biết của tôi, cam kết này được sinh ra từ định kiến cho rằng các bạn trẻ trong cùng thế hệ với tôi thường có xu hướng nhảy việc nhiều và khả năng chịu áp lực kém. Các chủ doanh nghiệp cũng không thấy được lợi nhuận trên đầu tư (ROI) nên đã đề ra cam kết này để đảm bảo công sức đào tạo nhân viên mới của công ty không bị uổng phí.
Từ quan sát của tôi, các bạn trẻ trên dưới tôi một tuổi có thời gian làm việc trung bình ở một công ty vào khoảng 4-8 tháng. Có nghĩa là tính cả thời gian các bạn vượt qua kỳ thử việc, phần lớn có thể nhảy việc ngay ở tháng thứ tư hoặc thứ năm (thường thì lúc này họ chưa đem lại quá nhiều giá trị cho công ty). Thế nên, dù có cam kết đi nữa, công ty cũng chưa chắc giữ chân được các bạn. Và việc phải ký cam kết làm việc sáu tháng còn có thể trở thành một điểm trừ trong mắt người trẻ.
Thiết nghĩ, thay vì bắt người trẻ cam kết làm việc, tại sao các doanh nghiệp không tập trung đầu tư các hệ thống quản lý đào tạo (LMS) giúp các bạn trẻ có thể tạo ra giá trị nhanh hơn và giảm bớt áp lực cho bộ phận lão làng của công ty khi phải kèm cặp nhân viên mới, không tập trung làm được việc của mình. Nói hơi lý thuyết một chút thì tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta có thể tạo ra một môi trường làm việc tốt đẹp hơn, ít "chính trị văn phòng độc hại" hơn, thì người trẻ sẽ tự khắc muốn gắn bó lâu dài hơn với tổ chức.
>> Lương sáu con số nhờ nhảy việc bốn lần
Về vấn đề tâm lý, nhiều người cho rằng giới trẻ ngày nay chịu đựng kém hơn các thế hệ trước. Tôi cho rằng, có một định luật thế này: "Khi con người gặp phải một vấn đề trong cuộc sống, nó có thể làm ta mạnh lên hoặc yếu đi. Mạnh lên trong trường hợp vấn đề đó vượt ngưỡng chịu đựng của ta một chút; yếu đi là khi vấn đề vượt quá ngưỡng chịu đựng quá xa". Định luật này thể hiện ở tất cả mọi nơi. Giống như chúng ta chỉ có thể chạy từ 11 km lên 12 km mỗi giờ trong một tháng luyện, chứ không thể lên 22 km được.
Thế nên, các nhà quản trị, quản lý cần xem lại mình có đang mắc phải ba sai lầm (lãng phí, quá tải, thiếu cân bằng) hay không mà khiến người trẻ phải tháo chạy? Một công ty đa thế hệ là điều tất yếu, nhưng tôi nghĩ những văn bản cam kết không phải là thứ nên được dùng để ràng buộc nhân viên. Thứ cần được tập trung phải là văn hóa của doanh nghiệp.
Trường hợp thành công nhất có lẽ là đất nước Nhật Bản, khi mà ở đó sự nghiêm túc, chính trực đã đi sâu vào văn hóa, chứ không nằm ở các điều luật. Tôi phải thừa nhận là giới trẻ ngày nay có nhiều điểm yếu, nhưng như một bậc thầy quản trị đã nói: "Làm thế nào để tạo ra được thành tích hiệu quả? Đó là quản lý thời gian, tập trung vào đóng góp, phát huy điểm mạnh, ưu tiên cho những việc quan trọng và đưa ra những quyết định hiệu quả".
Có lẽ tôi sẽ mang những suy nghĩ này của mình trao đổi lại với vị chủ doanh nghiệp kia để xem có có thiện chí lắng nghe và áp dụng hay không? Dù có thể điều đó sẽ khiến tôi mất đi lời đề nghị công việc mới, nhưng ít nhất nó cũng không làm mất thời gian của cả tôi lẫn công ty.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.