Luôn phải làm việc nhiều hơn 8 tiếng/ngày, thường xuyên phải làm việc vào cuối tuần mà không nhận được bất cứ chế độ phụ cấp nào, đó là thực tế đang xảy ra với không ít người lao động Việt trong thời điểm hiện tại. Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức về tình trạng lao động làm việc vào cuối tuần. Tuy nhiên, xu hướng này ngày càng phát triển mạnh sau hai năm dịch bệnh do nhiều công ty phải tăng năng suất hoạt động nhằm phục hồi kinh tế.
Nói về câu chuyện làm việc ngoài giờ không công, độc giả QuanglongVT chia sẻ: "Tôi thực sự chê văn hóa làm việc của nhiều công ty Việt Nam. Họ tham việc, lúc nào cũng sợ nhân viên chơi không, dù người ta đã hoàn thành công việc được giao. Chủ doanh nghiệp lúc nào cũng lấy lý do khó khăn để thúc ép nhân viên làm việc cuối tuần. Thế nhưng, đổi lại họ luôn chậm lương, nợ lương, chứ chẳng hề có phụ cấp làm thêm.
Công ty tôi có nhóm Zalo, cứ đến buổi tối là sếp nhắn tin giao công việc, nhưng hầu như chúng tôi không hề được tính công làm việc ngoài giờ. Ở đây, vai trò quản lý của Sở Lao động cần phải được nâng cao hơn nữa, phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt các công ty vi phạm Luật Lao động, đảm bảo quyền lợi của người lao động Việt".
Đồng cảm với nỗi bức xúc khi bị "đánh cắp" cuối tuần, bạn đọc Aspirationmore bày tỏ: "Tôi cũng từng trải qua thời kỳ không có ngày chủ nhật. Vì thứ hai là ngày họp nên tôi phải tập hợp tất cả báo cáo từ đơn vị gửi về vào sáng chủ nhật, sau đó chuẩn bị số liệu để hôm sau báo cáo lại. Ngay từ 7h30 sáng chủ nhật tôi đã bắt đầu phải đi giục mọi người gửi báo cáo (có người gửi đúng lịch, có người không, có người gửi cho có vì bản thân họ cũng bị động về số liệu và lịch làm việc cuối tuần).
Thế là tôi phải đánh vật với việc đòi số liệu đến hết buổi sáng. Mọi việc sau đó chỉ được hoàn thành khi đồng hồ đã điểm 17h. Vậy là nguyên ngày chủ nhật, tôi hầu như không thể tương tác gì với gia đình. Có lúc vợ con tôi rủ nhau đi siêu thị, còn tôi ngồi nhà một mình làm việc".
Lý giải việc nhiều doanh nghiệp có thói quen ép nhân viên làm việc ngoài giờ, độc giả Saigon nêu quan điểm: "Trong hợp đồng lao động, nhất là các công ty tư nhân, thường có một điều khoản rằng: 'Công ty có thể điều động nhân viên (tùy theo tính chất công việc liên quan) làm việc ngoài giờ theo quy định thông thường...". Đây là một điều khoản rất có lợi cho phía doanh nghiệp.
Nghĩa là không những chỉ cuối tuần, mà ngay cả khi 2-3h sáng, nếu công việc liên quan đến vị trí công việc người nhân viên nào đó thì họ vẫn có thể bị điều động đi giải quyết ngay. Còn vấn đề phụ cấp, trợ cấp có hay không hoàn toàn phụ thuộc vào mỗi doanh nghiệp. Đó là một sự thiếu công bằng cho người lao động.
Nhiều công ty coi việc nhân viên làm việc ngoài giờ, mang lại lợi ích cho tổ tức, là trách nhiệm của người lao động, nên họ chẳng thưởng hay trả thêm lương, phụ cấp gì. Ngược lại, nếu nhân viên mắc lỗi, trễ việc, làm sai, ảnh hưởng đến công việc chung thì sẽ lập tức bị trừ lương, phạt tiền ngay. Trong khi đó, công đoàn hầu như ít khi đứng về phía người lao động, thiếu tiếng nói để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các nhân viên".
>> Nghỉ việc vì bị sếp sai vặt, làm đến 21h
Luật Lao động 2019 đã quy định rõ giờ làm việc bình thường không quá 8 tiếng một ngày và 48 giờ một tuần. Mọi doanh nghiệp, đơn vị cần tuân thủ luật lao động, vạch rõ ranh giữa công việc và thời gian nghỉ ngơi cho nhân viên. Trong trường hợp buộc phải tăng ca vào cuối tuần cần sắp xếp thời gian nghỉ bù, chế độ phụ cấp để người lao động phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần.
Không cam chịu làm việc cả cuối tuần một cách vô lý, bạn đọc Leslie bình luận: "Tôi từng làm cho một công ty nước ngoài. Mặc dù sếp hạn chế giao việc sau giờ làm (có lẽ rút kinh nghiệm từ việc nhiều người trước đều đã nghỉ vì phải ngồi làm đến 22h như cơm bữa), nhưng tôi vẫn thấy bức bối vì không thể nghỉ phép. Dĩ nhiên, sếp không cấm nghỉ, nhưng nếu tôi nghỉ thì không có ai làm thay, nghỉ một ngày thì việc dồn gấp đôi.
Một vài đồng nghiệp của tôi làm ở vị trí tương tự, đã gắn bó lâu năm, cũng không dám nghỉ phép. Có người còn tới gần 20 ngày phép, mà một năm tròn chỉ dám nghỉ trọn một ngày. Thậm chí, thứ bảy, họ còn phải tự nguyện đến văn phòng làm việc để xử lý nốt việc tồn đọng. Sau một năm, tôi quyết định nghỉ vì không thể chịu đựng được nữa. Tôi vì áp lực công việc nên mang bệnh, chữa mấy tháng mới khỏi. Nghĩ lại thì tích góp được chút tiền, tôi đều 'nướng' sạch cho thuốc thang, vậy thì công việc đó có đáng để tiếp tục?".
"Sếp tôi thường xuyên bắt nhân viên làm thêm tối muộn hay cuối tuần, coi như chuyện đương nhiên. Thậm chí, sếp còn khuyến khích, hô hào đi làm thêm cuối tuần cho kịp tiến độ, nhưng không hề trả lương ngoài giờ. Sau vài lần như vậy, tôi tắt luôn điện thoại vào buổi tối, cuối tuần sếp gọi không nghe, coi như không biết. Vài lần như vậy, sếp tôi tự hiểu là sẽ không tìm được tôi ngoài giờ làm việc. Người ta đã không tôn trọng mình trước thì mình cũng phải có ranh giới để họ biết. Tất nhiên, để làm được như vậy thì bản thân bạn phải có năng lực đủ tốt để có thể nghỉ việc bất cứ lúc nào", độc giả Alo nói thêm.
Ủng hộ quan điểm không thỏa hiệp với việc làm việc không công ngoài giờ, bạn đọc Tân nhấn mạnh: "Tôi thấy thế hệ Gen Z bây giờ có tư tưởng khá tiến bộ. Họ chỉ hoàn thành công việc, hết giờ là ngắt kết nối với công ty, hưởng trọn vẹn ngày nghỉ, giờ nghỉ. Bản thân tôi rất không đồng tình với phong cách làm việc cũ, khi kể cả ngày nghỉ mà sếp cũng giao việc cho nhân viên. Họ đã đi làm cả tuần mệt mỏi rồi, ngày nghỉ cũng không được tha, đã thế còn không trả thêm đồng lương nào... vậy ai chịu nổi? Kiểu bóc lột sức lao động như vậy thì chẳng nhân viên nào muốn gắn bó, cống hiến vì công ty cả, thời buổi bây giờ đã khác xưa rồi".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.