Theo khảo sát trên 31.000 nhân viên trên toàn cầu từ tháng 2 đến tháng 3 năm nay, Microsoft chỉ ra các cuộc họp không hiệu quả là nguyên nhân số một làm ảnh hưởng năng suất lao động, tiếp đến là họp quá nhiều. Họp liên tục khiến nhân viên kiệt sức. Họ không có thời gian hiệu quả để giải quyết những công việc đòi hỏi tập trung cao độ, không bị phân tâm.
Cũng rơi vào tình cảnh phải họp quá nhiều, độc giả Nguyen Hoang Vinh chia sẻ: "Năm 2017, tôi làm sale cho một công ty cà phê ở TP HCM. Mỗi tháng, tôi tính tổng cộng có khoảng 65 cuộc họp. Họp công ty, họp tổ, họp đội, họp với thủ quỹ và kế toán, họp đột xuất, họp dài, họp nhanh, họp qua điện thoại với Giám đốc... Tất cả nhân viên chúng tôi gần như khủng hoảng với lịch họp. Tính ra, cả công ty tôi một năm có khoảng trên 600 cuộc họp. Đến giờ, tôi vẫn còn giữ mấy cuốn sổ ghi chép các cuộc họp làm kỷ niệm những năm tháng làm sale của mình".
Đồng cảm với tâm lý mệt mỏi với các cuộc họp liên miên, bạn đọc Kinh Vo Menh bày tỏ: "Tôi nhớ cách đây khoảng bảy năm, lúc đó bản thân đang làm quản lý cấp trung cho một công ty của Singapore mới vào Việt Nam. Ông sếp của tôi lầ người Malaysia. Một năm đầu, công việc chính của tôi chỉ là họp và họp. Buổi sáng có 2-3 cuộc họp, buổi chiều thêm 2-3 cuộc họp nữa. Tất cả cứ ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Lúc đó, tôi nghĩ chắc vì công ty mới nên nhiều vấn đề cần giải quyết, phải họp nhiều. Nhưng sau này nhìn lại, tôi thấy đa số những cuộc họp ấy đều không hiệu quả".
"Tôi cũng nêu vấn đề họp quá nhiều nhưng không hiệu quả, không đem lại giá trị gì ở công ty hiện tại. Thế nhưng, những ý kiến của tôi lại bị cấp trên gạt đi vì họ khăng khăng 'phải họp mới biết được vấn đề mà giải quyết'. Chuẩn bị cho một buổi họp nhưng các bên tham gia lại không có khả năng trả lời đầy đủ các câu hỏi, cuối cùng chỉ làm tốn thời gian. Chưa kể họp online nhiều còn rất phiền, trong văn phòng luôn nghe thấy tiếng người nói chuyện rất ồn ào. Đến khi hết hợp đồng vào cuối năm nay, tôi dự định sẽ xin nghỉ việc", độc giả Tanukichi nói thêm.
>> Nhiều người thiếu bản lĩnh từ chối khi bị sếp giao việc cuối tuần
Nói về tình trạng họp hành triền miên nhưng không hiệu quả, bạn đọc Nam nhận định: "Họp nhiều nhưng có hiệu quả hay không lại là chuyện khác? Với kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực quản lý dự án phần mềm, thời gian biểu của tôi luôn phủ kín các cuộc họp, và tôi nhận thấy có những dấu hiệu sau đây của những cuộc họp kém hiệu quả:
1. Đa số người tới họp chỉ để nắm bắt thông tin, hoặc thông tin không liên quan nhiều đến phần đông người tham dự; người làm chính thì ít, người đi họp thì nhiều.
2. Cuộc họp không có lịch trình cụ thể, không có kết quả rõ ràng sau khi họp xong.
3. Không có 'plan of action' (POA - kế hoạch hành động) sau khi kết thúc cuộc họp: ai chịu trách nhiệm làm cái gì?
4. Không có 'estimation of arrival' (ETA) sau khi họp xong: làm cái gì, chừng nào xong?
5. Không có 'meeting notes' (biên bản cuộc họp), không ai chịu ghi lại những vấn đề được bàn luận.
6. Thỏa luận các vấn đề bên lề quá nhiều, không tập trung vào trọng tâm".
Trong khi đó, độc giả L Thu lại sớm nhận ra sai lầm khi họp quá nhiều: "Trước dịch, tôi phải dự rất nhiều cuộc họp mỗi ngày, luôn ở tình trạng quá tải sau khi họp vì vẫn phải giải quyết các công việc hàng ngày. Sau dịch, tôi chiêm nghiệm và thay đổi cách thức họp: ít họp lại, mỗi cuộc họp chỉ kéo dài từ 30-60 phút, các đối tượng tham dự phải chuẩn bị kỹ nội dung, cách xử lý từ trước. Khi vào họp, chúng tôi chỉ truyền tải đúng thông tin quan trọng hoặc thảo luận tìm phương án tốt nhất để chốt đơn. Sau họp, chúng tôi theo dõi tiến độ công việc từ biên bản cuộc họp. Nhờ đó, tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn trước, hiệu quả công việc cũng cao hơn, bớt tình trạng quá tải".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.