ThS.BS.CKI Nguyễn Trung Nguyên, Đơn vị Tai Mũi Họng, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, điều trị cho bệnh nhân bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm, hướng dẫn chăm sóc vết thương tại nhà. Tái khám sau hai tuần, bệnh nhân hết các triệu chứng.
Tình trạng nhiễm trùng sau xỏ khuyên khá phổ biến, do nhiều người thích xỏ nhiều khuyên ở dái tai, vành tai. Trước đây, vị trí xỏ thường là dái tai - vị trí này không có sụn, ít khi có biến chứng. Hiện nay một số người trẻ có xu hướng xỏ khuyên ở nhiều vị trí trên tai, trong đó có sụn vành tai.
Dái tai có mô mềm và mỡ, lưu thông máu mạnh nên xỏ khuyên ở vị trí này lành nhanh chóng, ít nhiễm trùng. Trong khi vùng vành tai, sụn tai có mô dày, cứng và lưu thông máu ít hơn. Lỗ xỏ ở những vị trí này mất nhiều thời gian hơn để lành.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng như vị trí xỏ khuyên không được khử trùng đúng cách, dụng cụ xỏ hoặc khuyên không được tiệt trùng, không đảm bảo vệ sinh khi thực hiện thủ thuật. Triệu chứng gồm sốt, chảy mủ, đỏ, sưng, ngứa, rát. Bệnh không được điều trị kịp thời có thể gây áp xe, nhiễm trùng lan rộng dẫn đến viêm mô tế bào, viêm tai ngoài mạn tính, suy giảm thính lực...
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo chọn cơ sở xỏ khuyên tai có kinh nghiệm, uy tín và đảm bảo vệ sinh. Cần rửa tay kỹ bằng xà phòng hoặc nước rửa tay trước khi chạm vào vùng xỏ khuyên. Sử dụng tăm bông được thấm ướt với nước muối sinh lý để làm sạch vùng xỏ khuyên tai hai lần mỗi ngày cho đến khi vết thương lành. Không tự ý bôi bất kỳ loại thuốc nào lên lỗ xỏ khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ.
Người bị viêm loét, chảy máu liên tục sau hai ngày, sưng đỏ vùng xỏ khuyên và lan rộng, sốt cao, mủ vàng chảy liên tục... cần đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng khám, điều trị.
Uyên Trinh
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |