Nhiễm trùng thận (viêm bể thận) thường hình thành khi tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu lan đến một hoặc cả hai quả thận. Nguyên nhân có thể do vi khuẩn xâm nhập từ một vị trí nhiễm trùng khác trong cơ thể, do phẫu thuật bàng quang hoặc thận, sỏi thận làm tắc nghẽn dòng nước tiểu, khối u, phì đại tuyến tiền liệt. Tình trạng này có thể xảy ra đột ngột hoặc mạn tính, gây đau.
Yếu tố nguy cơ
Phụ nữ có nguy cơ nhiễm trùng thận cao hơn nam giới. Bởi niệu đạo của phụ nữ ngắn, gần âm đạo và hậu môn hơn nên vi khuẩn dễ xâm nhập vào đường tiết niệu. Mang thai cũng làm tăng nguy cơ viêm bể thận. Các yếu tố rủi ro khác bao gồm dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu, hệ thống miễn dịch suy yếu, gặp vấn đề khiến bàng quang khó làm rỗng hoàn toàn khi đi tiểu.
Triệu chứng
Các triệu chứng nhiễm trùng thận thường xuất hiện khoảng hai ngày sau khi nhiễm khuẩn và có thể khác nhau giữa trẻ em và người lớn.
Các triệu chứng thường gặp ở người lớn bao gồm đau ở bụng, lưng, bẹn hoặc bên hông; thường xuyên đi tiểu hoặc buồn tiểu, nóng rát hoặc đau khi tiểu; máu hoặc mủ trong nước tiểu; nước tiểu đục hoặc có mùi hôi. Người bệnh có thể buồn nôn hoặc nôn mửa, sốt, ớn lạnh. Nhiễm trùng thận ở trẻ dưới hai tuổi có thể chỉ kèm theo triệu chứng sốt cao. Người lớn trên 65 tuổi có thể bị rối loạn tâm thần và nói lắp bắp.
Điều trị
Viêm bể thận là tình trạng nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế. Hầu hết trường hợp dễ điều trị và phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị thích hợp, tình trạng này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, gây tổn thương cơ quan này lâu dài.
Một trong những biến chứng chính là tổn thương thận hoặc sẹo thận. Khi đó, thận có thể không hoạt động tốt, gây bệnh thận mạn. Nếu nhiễm trùng thận làm tổn thương các mạch máu đến thận có thể dẫn đến huyết áp cao.
Tổn thương nghiêm trọng do nhiễm trùng thận còn có khả năng gây suy thận, đe dọa tính mạng như nhiễm trùng máu. Các triệu chứng nhiễm trùng máu bao gồm ớn lạnh, sốt, nhịp thở và nhịp tim nhanh, lú lẫn, phát ban. Sỏi thận nếu không điều trị cũng có thể làm tắc nghẽn đường tiểu, dẫn đến nhiễm trùng thận và nhiễm trùng máu.
Trường hợp nhiễm trùng không nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh đường uống trong 7-14 ngày. Người bệnh cần uống thuốc được chỉ định, ngay cả khi tình trạng cải thiện sau vài ngày. Dừng thuốc sớm có thể dẫn tới kháng kháng sinh hoặc tái nhiễm trùng. Người bệnh cũng được khuyến khích uống nhiều nước.
Trong một số trường hợp, người bệnh có thể phải truyền dịch và kháng sinh qua đường tĩnh mạch để điều trị nhiễm trùng. Xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh được thực hiện để xác định mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng và nguyên nhân như tắc nghẽn do sỏi thận hoặc bất thường về giải phẫu.
Nếu nhiễm trùng tiểu tái phát làm tăng nguy cơ nhiễm trùng thận thường xuyên. Lúc này, bác sĩ xác định nguyên nhân và chỉ định biện pháp ngăn ngừa nhiễm trùng tái diễn.
Phòng ngừa
Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm trùng thận. Giảm nguy cơ nhiễm trùng thận bằng cách giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu. Uống nhiều nước, lau từ trước ra sau khi đi vệ sinh để tránh lây lan vi khuẩn, tránh nhịn tiểu, đi tiểu ngay sau khi quan hệ, bổ sung men vi sinh giúp cải thiện miễn dịch.
Anh Ngọc (Theo Healthline)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |