Mụn rộp sinh dục (hay Herpes sinh dục) là bệnh nhiễm trùng do virus Herpes simplex (HSV) gây ra, có thể lây truyền qua đường tình dục hoặc từ mẹ sang con. Người khỏe mạnh mang virus này thường không biểu hiện triệu chứng, chỉ khi sức đề kháng suy giảm, viêm nhiễm, virus trong cơ thể mới "trỗi dậy" gây mụn rộp ở bộ phận sinh dục hoặc các vùng khác. Thực tế, nhiều người mang bệnh suốt đời, nhờ có sức đề kháng tốt nên không biểu hiện bệnh nhưng lại lây cho bạn tình.
Dưới đây là những thông tin về bệnh lý này mà có thể nhiều người vẫn chưa biết rõ.
Có hai loại virus gây mụn rộp
Có 2 loại virus Herpes simplex chính là HSV-1 và HSV-2. Trong đó, HSV-1 chủ yếu gây mụn rộp miệng, đặc trưng bởi vết loét lạnh xuất hiện trên môi, quanh miệng hoặc trên mặt người bệnh. HSV-2 gây ra mụn rộp sinh dục, xuất hiện trên hoặc xung quanh bộ phận sinh dục, hậu môn, mông và đùi trong của người bệnh. Các mụn rộp này cũng có thể xuất hiện bên trong âm đạo.
Tuy HSV-1 và HSV-2 gây ra những triệu chứng khác nhau nhưng đều lây lan qua tiếp xúc gần với người có HSV, thông qua quan hệ tình dục thông thường hoặc bằng đường miệng. Bệnh cũng lây lan qua việc hôn, màn dạo đầu hoặc quan hệ tình dục không thâm nhập. Như vậy, cả hai loại virus đều có thể là tác nhân gây ra các đợt bùng phát mụn rộp ở miệng và bộ phận sinh dục.
Mụn rộp sinh dục không hiếm gặp
BS.CKI Nguyễn Thị Kim Dung, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết mụn rộp sinh dục khá phổ biến. Dù bệnh Herpes sinh dục do HSV-2 gây ra nhưng HSV-1 cũng lây lan thông qua tiếp xúc, tạo thành các mụn rộp ở bộ phận sinh dục.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính khoảng 491,5 triệu người nhiễm HSV-2 vào năm 2016. Con số này chiếm hơn 1/10 dân số thế giới trong độ tuổi từ 15 đến 49. WHO cũng chỉ ra 3,7 tỷ người nhiễm HSV-1 trong cùng năm, chiếm khoảng 2/3 dân số thế giới dưới 50 tuổi.
Nhiều biến chứng nguy hiểm
Người nhiễm HSV-2 có nguy cơ nhiễm HIV gấp 3 lần người bình thường. và nhiễm HSV-2 là một trong những bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất ở những người nhiễm HIV.
Ở người suy giảm miễn dịch, kể cả nhiễm HIV giai đoạn nặng, mụn rộp có thể xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng và tái phát bệnh thường xuyên. Các biến chứng hiếm gặp gồm: viêm màng não và nhiễm trùng lan tỏa. Nhiễm HSV-1 có thể dẫn đến các biến chứng nặng hơn như viêm não hoặc viêm giác mạc.
Nguy hiểm với phụ nữ mang thai
Virus Herpes có xu hướng trốn (ngủ) ở các hạch thần kinh nên khó chữa khỏi dứt điểm. Virus hiếm khi đe dọa đến tính mạng người bệnh nhưng cực kỳ nguy hiểm với phụ nữ mang thai. Khi bùng phát trong thời kỳ mang thai, virus làm tăng nguy cơ sinh non, thai nhi có thể nhiễm trùng hoặc chết trong bụng mẹ.
Trẻ sơ sinh vẫn có thể mắc Herpes sinh dục
Mụn rộp ở trẻ sơ sinh có thể xảy ra khi trẻ tiếp xúc với HSV ngay từ trong bụng mẹ. Herpes ở trẻ sơ sinh rất hiếm gặp, ước tính xảy ra ở 10 trong số 100.000 ca sinh trên toàn cầu. Tuy nhiên, đây là tình trạng nghiêm trọng có thể dẫn đến khuyết tật thần kinh hoặc tử vong. Nguy cơ mắc bệnh mụn rộp ở trẻ sơ sinh lớn nhất khi người mẹ nhiễm HSV lần đầu tiên vào cuối thai kỳ.
Nhiều đợt tái phát trong đời
Mụn rộp sinh dục thường tái nhiễm thành nhiều đợt trong suốt cuộc đời, nhất là khi sức đề kháng giảm (lo lắng, mất ngủ, ăn uống không đủ chất...). Các đợt bùng phát thường tự khỏi. Ở một số ít người bệnh, Herpes sinh dục không bao giờ bùng phát.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ các đợt tái phát của HSV-2 thường nhẹ hơn so với đợt bùng phát đầu tiên và theo thời gian có xu hướng xảy ra ít và không đáng ngại. Người bệnh có tần suất tái phát hơn 6 đợt một năm cần điều trị bằng thuốc kháng virus trong 6-12 tháng.
Bảo Nghi