Gần đây nổ ra tranh luận về việc nhân viên trẻ tuổi nhảy việc nhiều. Song song với những ý kiến đồng tình, tôi thấy có khá nhiều quan điểm phản đối xu hướng này, chủ yếu đến từ những người có thâm niên và vị trí cao trong sự nghiệp. Nhân đây, tôi xin mạn phép chia sẻ ý kiến của mình - một người đã đi làm, và tương đối trẻ tuổi làm việc về công tác tuyển dụng, đào tạo nhân viên mới.
Ở các công ty vừa và nhỏ, quy trình, tổ chức của công tác tuyển dụng thường không bài bản, những người đảm nhận trách nhiệm này chủ yếu là "tay ngang". Ví dụ, người quản lý trực tiếp sẽ phỏng vấn và tuyển dụng nhân sự, nên nhiều khi họ có xu hướng áp đặt suy nghĩ của bản thân, lấy chính kinh nghiệm trong quá khứ của mình để đưa ra mong muốn, yêu cầu lên nhân viên mới.
Trước khi ra trường, tôi có cơ hội gặp được một người làm về mảng nhân sự cực kỳ tài năng. Tôi nhận thấy đây nên là hình mẫu lý tưởng của một người làm công tác tuyển dụng và đào tạo chuẩn mực. Tôi xin kể một số đặc điểm của người này để minh chứng cho nhận định trên:
- Anh xuất thân là dân kinh tế - nhân sự, làm cho công ty về kỹ thuật, sản xuất, nhưng có hiểu biết sâu rộng về quy trình, kỹ thuật, sản phẩm; phục vụ công việc phỏng vấn, tuyển chọn, định hướng cho nhân viên mới.
- Anh rất hiểu về thị trường lao động, đặc biệt là mảng sản xuất, kỹ thuật. Anh biết làm kỹ thuật cho công ty này thì cần có kỹ năng, kiến thức gì để người lao động có thể chuyên tâm làm việc và mở rộng sự nghiệp.
- Anh có thể đề ra kế hoạch phát triển chi tiết, đa dạng cho nhân viên để họ cảm thấy lựa chọn công ty là điều đúng đắn.
- Anh cởi mở trong giao tiếp, không ngại chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn nhân viên mới, người lao động trẻ.
- Anh chấp nhận sự khác biệt giữa khả năng của công ty và mong muốn của người lao động. Luôn lịch sự cảm ơn và giữ mối quan hệ với các ứng viên và nhân viên cũ.
>> Những người trẻ ảo tưởng 'nhảy việc vì cần trải nghiệm nhiều'
Rất tiếc, tôi chỉ có cơ hội làm việc với anh đúng một năm thì anh xin nghỉ việc ở công ty. Nhưng các định hướng, bài học của anh vẫn phù hợp và được tôi áp dụng trong suốt một thời gian dài, không chỉ trong nội bộ công ty cũ mà cả các công ty khác sau này.
Đối với một người đi làm thuê, lương thưởng là một điều mà ai cũng muốn đúng ý mình, nhưng nhiều công ty quên mất còn khía cách khác quan trọng không kém, đó là tương lai phát triển của cá nhân. Hiện tại, sự phát triển của khoa học công nghệ là rất nhanh, mức sống người dân tăng cao, nên người trẻ tuổi hiện có rất nhiều sự cạnh tranh, với cả nhân viên có thâm niên và những lứa sau trẻ trung năng động hơn. Sự linh hoạt và liên tục phát triển là điều quan trọng trong cuộc sống hiện tại.
Nếu như công ty tốt, môi trường ổn, thì chắc chắn ai cũng muốn gắn bó lâu dài. Nhưng cuộc sống đôi khi có nhiều thay đổi, khi một nhân viên phải đứng trước ngã rẽ về sự nghiệp, họ cần biết được giá trị của bản thân mình như thế nào để kiếm được một vị trí, công việc tốt nhất trong tương lai. Họ cần biết những kinh nghiệm ở đây sẽ có tác dụng với bản thân ra sao trong ba, bốn năm tới?
Một doanh nghiệp sẽ không thể cứ trông chờ nhân viên tự nhận ra giá trị của công ty sẽ mang lại cho họ, mà phải chủ động định hướng và chứng minh được định hướng đó là đúng đắn. Đó mới là cách tốt nhất để giữ chân người tài, chứ không phải đôi ba tờ cam kết làm việc được đưa ra để ràng buộc nhân viên.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.