Đọc bài viết "Ảo tưởng sức mạnh khi nhảy việc liên tục" cùng bình luận của độc giả VnExpress, tôi cho rằng nhiều người đang có cái nhìn không thật toàn diện về câu chuyện người trẻ nhảy việc nhiều hiện nay. Nhảy việc, có thể đối với vài người thuộc thế hệ trước là khó chấp nhận, nhưng giới trẻ ngày nay lại có cái nhìn khác với những người đã làm nhiều năm.
Tại sao mình còn trẻ mà không tranh thủ nhảy qua nhiều công ty khác nhau, để học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, đến lúc nào đó kiếm được một chỗ đứng đủ tốt thì mới dừng lại? Đó là suy nghĩ của nhiều bạn trẻ bây giờ.
Biết rằng chuyện nhảy việc sẽ là không đúng nếu công ty đó đã bỏ nhiều tâm sức, tiền bạc để đào tạo nhân viên mới, nhưng chưa kịp "hái quả ngọt" thì thì người ấy đã xin nghỉ việc mất rồi. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận lại rằng nhảy việc cũng là một nhu cầu chính đáng để bạn có được một mức lương cao hơn, nhất là khi công ty cũ có chế độ đãi ngộ không tốt.
Không phủ nhận có nhiều chủ doanh nghiệp luôn mang tư tưởng coi thường nhân viên trẻ, nghĩ người đó vẫn còn non lắm, nên mặc nhiên chỉ chấp nhận trả mức lương thấp, bất kể đó có phải người tài hay không?
Con tôi ra trường tới nay cũng được 5 năm rồi, nhưng nó đã nhảy việc qua sáu công ty khác nhau, đi từ công ty nhỏ nhất đến công ty lớn nhất trong môi trường nó thích, đi từ lương thấp nhất đến lương cao đáng mơ ước với chức vụ mà nó đang đảm nhiệm.
>> Lương sáu con số nhờ nhảy việc bốn lần
Khi mới vào làm cho công ty đầu tiên (thuộc lĩnh vực công nghệ), con được trả lương rất thấp. Người ta cũng chẳng đạo tạo hay dạy bảo gì nhiều mà chủ yếu để cho nhân viên "tự bơi", cùng lắm chỉ dạy vài cái chưa biết để quen việc thôi. Họ để cho nhân viên làm việc đến kiệt sức, khi không chịu được nữa thì xin nghỉ và lại tuyển người khác. Cứ như vậy, họ duy trì được quỹ lương ở mức thấp, không phải lo trả lương cao cho mấy người làm việc nhiều năm, lão luyện.
Tuy nhiên, con tôi nhảy việc cũng không hoàn toàn là vì mức lương, mà vì môi trường đó không hợp với tính cách của con. Càng doanh nghiệp lớn, càng được trả mức lương cao thì áp lực và trách nhiệm của bạn cũng sẽ càng lớn. Ở đâu cũng có những khó khăn riêng, nhưng cái quan trọng là tính chất công việc phải phù hợp, mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên phải ổn. Còn không mỗi ngày đi làm về là lại áp lực, căng thẳng, thì tiền lương có cao đến mấy cũng chằng còn quan trọng nữa.
Nhân sự không đơn giản chỉ phải tuyển người mà còn phải làm sao để người đó muốn cống hiến lâu dài, dù mệt mà vẫn vui, chứ không thể cứ cố vắt hết chất xám của rồi thải loại và tìm người khác thay thế. Nếu người tuyển dụng cứ trách ứng viên hay nhảy việc thì đây sẽ mãi là câu chuyện chẳng có hồi kết.
Tóm lại, hãy nhìn vào cả hai mặt của vấn đề. Nếu trách người trẻ nhảy việc nhiều thì cũng phải đặt câu hỏi ngược lại cho nhà tuyển dụng xem họ đã làm gì để nhân viên muốn gắn bó lâu dài? Tôi tin ai cũng muốn cống hiến cho công ty lâu dài, nhưng nếu công ty chăm sóc nhân lực tốt thì sẽ chẳng ai muốn đi chỗ khác dù lương mới có thể cao hơn.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây .Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.