Về việc "sinh viên mới ra trường đã nhảy việc nhiều lần" đang gây tranh luận gần đây, tôi thấy mọi tranh cãi sẽ được giải quyết rất đơn giản, chỉ cần hai điều như sau:
Hãy đổi góc nhìn
Nếu bạn là sinh viên mới ra trường hay nhảy việc, hãy đặt mình vào vị trí làm giám đốc. Khi đó bạn nghĩ gì về việc tuyển dụng nhân sự mới của bạn? Tuy mỗi người có hoàn cảnh khác nhau nhưng sự tưởng tượng của mỗi người về vấn đề này cũng chỉ có một vài mẫu số chung. Khi tưởng tượng đừng tự lừa dối mình hay trốn tránh sự thật, kiểu như "tôi thà không làm sếp" hay "tôi sẽ chịu thiệt"... Hãy trung thực, chẳng ai chịu cái thiệt về mình. Còn riêng về các giám đốc, họ thường cũng từng là nhân viên rồi nên không cần tưởng tượng.
Hãy công bằng
Dù là thế hệ 8X, 9X, Gen Z hay thế hệ nào đi nữa, cũng sẽ đồng ý với nhau một từ "công bằng". Vậy công ty công bằng với bạn thì bạn cũng phải công bằng với công ty. Bạn được học việc, nhận sự đào tạo, thì cũng phải trả tiền cho công ty xứng với kiến thức bạn nhận được. Khi đó, bạn thích nghỉ lúc nào thì nghỉ, vì coi như đây là lớp học, bạn đã trả một số tiền rất lớn để học.
Tiền học bao gồm: tiền thời gian nhân viên làm chậm trễ tiến độ, họ phải làm thêm giờ cho kịp deadline để có thời gian trích ra chỉ việc cho bạn (nên nhớ họ cũng có việc riêng, gia đình bạn bè, họ không muốn làm thêm giờ chút nào cũng như bạn vậy). Đừng ai nghĩ chút thời gian này không đáng kể, có người khi làm cần sự tập trung và tạo thành dòng chảy, dòng chảy bị ngắt rất khó hoặc rất lâu mới trở lại như cũ. Ngoài ra, còn tiền máy móc, chỗ ngồi, văn phòng, điện, nước, điều hòa...
Bạn muốn được trả lương cao, vậy bạn đã và sẽ làm được gì cho công ty? Trình độ nhập môn, sản lượng ít thì đương nhiên lương sẽ thấp. Bạn muốn lương tăng thì hãy đem lại giá trị tăng theo. Trình độ quan trọng nhưng kết quả mới là quan trọng nhất. Bạn muốn học việc mà không trả học phí cho công ty, còn đòi được trả lương học việc chỉ với sản lượng ít ỏi mấy tháng đầu? Thậm chí nếu công việc đặc thù thì công ty đó còn đang đào tạo nhân viên cho đối thủ cạnh tranh của chính mình?
Vậy bạn trả gì cho công ty để công bằng cho mất mát và nguy cơ của họ? Đó là cam kết làm việc lâu dài, sáu tháng đến một năm hoặc hơn (tùy công ty và tính chất công việc). Xin hãy công bằng!
>> Tôi chỉ tôn trọng người nhảy việc văn minh
Bạn muốn người trong công ty không phân biệt đối xử hay thậm chí quý bạn? Vậy bạn đã làm được gì cho họ? Họ nhờ bạn việc vặt, bạn từ chối, họ bận việc con cái gia đình đột xuất nên nhờ bạn làm một chút việc, bạn cho là bất công nên không làm. Nếu bạn có thái độ như trên thì hãy vui mừng khi họ mới chỉ "mặt lạnh" chứ không ghét bạn. Ngày xưa người ta gọi là "biết điều", còn gọi theo cách của thế hệ mới là "công bằng".
Bạn muốn theo đuổi hạnh phúc của riêng bạn? Rất tốt! Bạn muốn làm việc không áp lực, nhanh thăng tiến? Không sao cả! Nhưng "xin đừng làm ảnh hưởng đến người khác". Đừng vì nhảy việc lung tung mà không có tiền nuôi thân phải về ngửa tay xin cha mẹ nghèo khó. Đừng vì "theo đuổi hạnh phúc" mà khi deadline ập đến, việc làm chưa xong mà đã "về đúng giờ", hoặc làm nhanh làm ẩu vứt việc dồn cho những người còn lại gồng gánh, sửa chữa.
Đừng vì muốn nhanh nâng cao trình độ mà nhận làm những việc quá khả năng, không lượng sức mình, gây ra sai sót khiến các nhân viên khác phải làm tăng ca để giải quyết hậu quả mà bạn gây ra. Hãy công bằng với bố mẹ và đồng nghiệp của bạn. Họ cũng có quyền theo đuổi hạnh phúc.
Bạn lo công ty lợi dụng hay lừa bạn? Vậy hãy đọc kỹ hợp đồng, nếu họ làm sai hợp đồng bạn có quyền nghỉ, không ai bắt bẻ được bạn. Bạn sợ là người yếu thế không kiện lại được họ? Vậy hãy bỏ thời gian tìm hiểu kỹ công ty đó trước khi xin vào làm. Tiên trách kỷ hậu trách nhân.
>> Tầm nhìn ngắn hạn của những người ham nhảy việc
Tôi không hề bảo vệ các công ty muốn lợi dụng các sinh viên mới ra trường, hay các môi trường làm việc độc hại gây áp lực, nợ lương, không đóng bảo hiểm... hay là nói các vấn đề đó không tồn tại. Tôi chỉ muốn nói các bạn trẻ bây giờ chỉ cố lấy các lý do đó làm bình phong cho sự ích kỷ, sự quá tự do đến mức vô tổ chức và cái tôi to tướng của các bạn.
Thử hỏi trong những các công ty mà bạn đã nhảy qua, có bao nhiêu công ty xấu như các bạn đã đề cập? Dù cho môi trường của công ty rất chào đón, lương thưởng đầy đủ... nhưng trong thâm tâm của các bạn đã định hình từ trước: muốn nhảy hết công ty này đến công ty khác để thu thập kinh nghiệm cho riêng mình, mặc kệ thiệt hại của họ và người xung quanh, muốn người ta yêu quý mình vô điều kiện mà không cần làm gì cho họ. Tất cả chỉ cần phủi đi với một câu "tuổi trẻ thì cần trải nghiệm nhiều", theo tôi phải sửa thành "tuổi trẻ cần trải nghiệm nhiều và không làm ảnh hưởng đến người khác".
Ngoài ra, các bạn nào không chột dạ nghĩ như tôi nêu trên thì thành thật xin lỗi, không tôi sẽ bị quy vào tội "vơ đũa cả nắm". Nói đến đây có người sẽ nghĩ: thế giới này thực sự làm gì có công bằng? Đúng vậy, thế giới không công bằng nhưng tôi chỉ đang dùng cách nói của thế hệ ngày nay để đáp trả chính họ bằng cách giải trình ra một số "vấn nạn" mà họ hay trình bày.
Tại sao thế hệ ngày nay lại hành xử và có thái độ như vậy? Có lẽ chính vì cái mà internet và thế giới phẳng đã mang lại cho họ: sự tự tin năng động, tiếp thu nhanh, kiến thức đa dạng, giỏi ngoại ngữ... nhưng lại quá mong manh dễ vỡ và ảo tưởng sức mạnh, thiếu kiến thức xã hội, đối nhân xử thế - điều mà họ hay nhầm lẫn với cam chịu luồn cúi.
Suy cho cùng 8X, 9X, Gen Z hay thế hệ nào chăng nữa cũng là con người, . Mà một đời người cũng chỉ có bấy nhiêu thứ, được cái này thì mất cái kia, nhưng 1 thế hệ trẻ ích kỷ mà nghĩ mình chỉ là "đang trải nghiệm cuộc sống, theo đuổi hạnh phúc của riêng mình" thì họ nên nghĩ lại, vì họ đã bỏ quên mất chữ "mà không làm ảnh hưởng đến ai" mà họ hay tự hào.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.