Trong bài viết "Tôi từ chối khi công ty bắt cam kết không nghỉ việc", tác giả Phúc Nguyễn đề cập đến một thực trạng diễn ra khá phổ biến trong giới trẻ ngày nay, đó là xu hướng nhảy việc nhiều. Thậm chí, nhiều người chỉ mới vào làm việc ở công ty được vài ba tháng đã xin nghỉ việc để chuyển sang nơi khác. Cũng từ đó, không ít doanh nghiệp đề ra quy định yêu cầu nhân viên mới cam kết không nghỉ việc trong thời hạn sáu tháng.
Cá nhân tôi hiểu cho lo lắng của các chủ doanh nghiệp trước tình trạng nhân viên trẻ tuổi nhảy việc nhiều như hiện nay. Điều đó xuất phát từ việc một bộ phận các bạn trẻ ngày nay thường ảo tưởng sức mạnh về bản thân, nghĩ rằng mình có năng lực nên không làm chỗ này thì làm chỗ khác, sẵn sàng vứt bỏ công việc hiện tại ngay khi có nơi khác cho họ mức đãi ngộ tốt hơn.
Để hiểu rõ hơn về suy nghĩ của người sử dụng lao động, chúng ta cần biết rằng, tùy theo phòng ban trong công ty mà thời gian đào tạo và dạy việc cho các nhân viên mới vào làm thường phải mất khoảng 2-3 tháng, bất kể trình độ hay kinh nghiệm thế nào. Mục đích là để họ làm quen với môi trường, quy trình và các máy móc hay phần mềm ứng dụng dùng trong công việc.
Sau thời gian đó, nếu các lãnh đạo, "tiền bối" nhận thấy rằng những người này đã sẵn sàng, họ mới bắt đầu giao cho nhân viên mới các việc nhỏ hay làm việc phụ trong các đề án lớn như một cách học hỏi kinh nghiệm. Dần dần, nhân viên làm tốt mới được giao làm các đề án bậc trung hay độc lập, tùy theo khả năng học hỏi nhanh hay chậm của mỗi người.
Nói như vậy để thấy, khoảng thời gian sáu tháng thử thách kia chỉ mới là giai đoạn công ty đầu tư cho nhân viên mới, chứ họ hoàn toàn chưa được hưởng thành quả gì từ sức lao động của nhân viên.
>> Lương sáu con số nhờ nhảy việc bốn lần
Thế nên, trừ khi nhân viên sau giai đoạn thử việc cảm thấy không thích hợp hay công việc không đúng như những gì đã mô tả về vị trí được tuyển, thì việc xin nghỉ để tìm công việc khác phù hợp hơn mới có thể chấp nhận được. Còn nếu bạn chỉ muốn được đào tạo "miễn phí" cấp tốc để rồi dùng nó làm bàn đạp nhảy việc, lên lương cho nhanh thì đó là một loại vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Những nhà tuyển dụng hiện nay hẳn sẽ không mấy có thiện cảm với những ứng viên nhảy việc thường xuyên (mỗi nơi dưới một năm đổ lại). Với những người như thế, người ta sẽ phải đặt dấu hỏi về mục đích của ứng viên. Tuy rằng, thời buổi ngày nay, không ai đặt nặng chuyện bạn phải trung thành với công ty, nhưng họ cũng không muốn đầu tư đào tạo kỹ năng cho nhân viên mới để rồi bị "mất trắng" như thế được.
Tôi biết một công ty cung cấp nhân sự hợp đồng tay nghề cao thậm chí còn đề nghị được ký hợp đồng với vài hãng xưởng và cam kết trong thời kỳ đào tạo (2-3 tháng) họ không lấy tiền của các hãng xưởng này cho tới khi nhân viên của họ bắt đầu làm vào đề án. Nếu hãng xưởng không ưng ý với khả năng hay cách làm việc của người nào họ đề cử, họ sẵn sàng thay người khác.
Vậy nên, với những người trẻ thường xuyên nhảy việc hãy xem lại mình trước khi chỉ trích các doanh nghiệp về việc yêu cầu nhân viên mới ký cam kết làm việc đủ số tháng quy định.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.