Tôi nghĩ, chúng ta nên bỏ các chức danh lớp trưởng, lớp phó trong môi trường học đường vì những chúng không có quá nhiều ý nghĩa. Người ta tạo ra lớp trưởng lớp phó là để thi đua học tập, so sánh thành tích học tập giữa các học sinh với nhau, giữa lớp này và lớp kia. Học nhiều lý thuyết hàn lâm, kém thực hành thì việc thi đua học tập đã sớm mất đi ý nghĩa. Xã hội bây giờ, người ta chỉ so sánh ai khôn ngoan hơn, chứ không quan tâm ai học giỏi hơn? Bạn học giỏi rồi làm có giỏi không? Cái sự giỏi của bạn có giúp ích gì cho tập thể công ty không hay chỉ làm lợi cho riêng cá nhân mình?
Làm giỏi tức là học giỏi cộng thêm nhận thức cao. Không có nhận thức cao, học giỏi đến mấy cũng không có khả năng được đề bạt. Bạn làm việc rất tốt ở phần việc mà bạn được giao. Tuy nhiên, kết quả công việc luôn chậm trễ. Sự chậm trễ này không phải là lỗi của bạn mà là lỗi của người phụ trách phần việc phía trước. Bạn có dám va chạm với họ để đẩy nhanh tốc độ công việc không hay dĩ hòa vi quý, chuyện ai người đó làm?
Cạnh tranh năng lực trong công ty không phải chỉ là chuyện giữa những người có bằng cấp giống nhau làm công việc giống nhau mà còn giữa những người có bằng cấp khác nhau, làm công việc khác nhau. Quy trình làm việc chuyên môn hóa, công việc lớn được chia thành nhiều khâu, do nhiều người, nhiều bằng cấp khác nhau thực hiện ở các khâu khác nhau.
Ví dụ, hóa đơn xuất hàng do phòng kinh doanh phát ra có in mã số hàng hóa, mặt hàng, số lượng, đơn giá, thành tiền. Sau đó, hóa đơn sẽ được chuyển cho phòng kế toán để truy xét công nợ của khách hàng cũng như mức hoa hồng mà họ được nhận tùy thuộc vào hình thức thanh toán (trả trước, trả sau, gối đầu một chuyến, tiền mặt, chuyển khoản...). Nếu không có gì bất thường (khách hàng không nợ vượt quá quy định của công ty), hóa đơn được chuyển cho giám đốc ký. Sau đó, hóa đơn được mang xuống kho để thủ kho làm thủ tục xuất hàng và giữ lại liên trắng (liên sản xuất). Hàng ra khỏi công ty phải qua bảo vệ cổng, liên xanh (liên kế toán) được bảo vệ giữ lại. Người giao hàng của công ty mang theo hàng hóa và liên đỏ (liên khách hàng) đi giao hàng. Quy trình đại loại là như vậy với mọi công ty có chức năng sản xuất – kinh doanh.
Vì lý do nghiệp vụ, phòng kế toán giữ lại hóa đơn quá lâu, cuối giờ hoặc gần hết giờ, hóa đơn mới ùn ùn đến tay bạn trong khi khách hàng liên tục gọi điện hối thúc giao hàng gấp với lời lẽ ngày càng nặng nề thì bạn có bực mình không? Bạn sẽ phản ánh sự việc với sếp trực tiếp của bạn hay cố nhịn cho qua chuyện? Nếu bạn phản ánh, sếp của bạn sẽ mang theo bạn liên hệ với CEO phụ trách kinh doanh – tài chính, họp hai bộ phận chức năng này lại để làm rõ và bạn sẽ là một trong số những người phải giải trình. Dám va chạm, không sợ phiền phức như vậy mới chứng tỏ bạn là người có nhận thức cao.
>> 'Bón thúc' trẻ lớp 1 bằng những cuốn sách giáo khoa khô khan
Làm quản lý lâu năm, tôi nhận thấy bây giờ có rất nhiều người e ngại phiền phức, sợ va chạm khiến cho công việc chung không chạy. Tám giờ vàng ngọc thì có đến sáu giờ ngồi chơi xơi nước, hai giờ còn lại công việc ùn ùn đến tay, làm việc căng thẳng thì họ lại than mức lương không tương xứng. Chẳng hiểu họ học giỏi đến mức nào chứ nhận thức như vậy quá kém cỏi. Bởi vậy mới nói, người học giỏi ra làm chưa chắc đã giỏi. Người làm việc giỏi là người tuy chỉ giữ một mắt xích trong chuỗi công việc nhưng có tầm nhìn bao quát cả cái chuỗi ấy.
Muốn có nhận thức cao, phải có tư duy độc lập. Muốn có tư duy độc lập, phải chịu khó suy nghĩ và không ngại tranh luận. Trường học từ phổ thông đến đại học của ta có tạo điều kiện xây dựng tư duy độc lập cho học sinh, sinh viên không? Thay vì nêu ra hàng loạt dữ kiện cùng với yêu cầu rồi để cho học sinh, sinh viên tự nghĩ ra biện pháp giải quyết thì chúng ta lại dạy luôn kết quả, thậm chí dạy luôn cách thức, biện pháp để tạo ra kết quả ấy (ai không dùng đúng cái biện pháp ấy sẽ bị cho là làm sai dù kết quả không thay đổi).
Học tập ở nước ngoài cũng khó chẳng kém ta nhưng bản chất rất khác ở ta. Cái khó của họ là làm sao vận dụng lý thuyết vào thực hành, tranh luận phản biện đủ kiểu để bảo vệ phương pháp của mình. Còn cái khó của ta là làm sao học thuộc lòng để trả lời vô số câu hỏi (nhiều khi cho trước) của vô số đề bài. Tử đó, quan niệm "học giỏi" ở ta cũng khác với của họ. Ra đi làm, doanh nghiệp có biện pháp của doanh nghiệp, nhà trường có biện pháp của nhà trường, hai bên không gặp nhau, khiến phải đào tạo lại. Chuyện này sẽ không xảy ra nếu sinh viên tốt nghiệp có biện pháp riêng, sẵn sàng thích ứng với mọi hoàn cảnh.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.