Đồng tình với quan điểm của nhiều chuyên gia cho rằng "cha mẹ dạy con học mỗi tối là 'phản giáo dục'", độc giả Hvkhaivnm nhận định: "Kỹ năng làm cha mẹ khác kỹ năng sư phạm của thầy cô. Cho nên, cha mẹ dạy con học ở nhà hoàn toàn khác với thầy cô dạy ở trường. Trừ khi cha mẹ cũng chính là giáo viên, nếu không, các bạn sẽ làm con mình rối não vì chẳng biết tiếp thu theo cách dạy của ai? Cha mẹ chỉ nên hỗ trợ con về điều kiện học tập, tạo thêm cho con động lực học để trẻ dành thời gian tập trung hơn. Cha mẹ nên dạy những thứ mà nhà trường ít có thời gian dạy hoặc không dạy, như kỹ năng làm việc nhà, ý thức về môi trường sống và cách ứng xử trong giao tiếp... như vậy con trẻ mới tiếp nhận những kiến thức song hành.
Thời nay, tôi thường thấy cách giao dục sai lầm của nhiều gia đình, luôn bắt con mình phải là 'siêu nhân' hay 'thần đồng', bắt con học gần như suốt ngày. Nhiều cha mẹ quá giỏi hoặc bất tài lại muốn con mình phải giỏi cho bằng được hoặc làm những thứ mà họ chưa làm được, vô tình khiến trẻ con chẳng lúc nào được làm những thứ chúng thích hay tiếp thu những kỹ năng sống đơn giản".
Cùng chung suy nghĩ, bạn đọc Phạm Thành Trung nhấn mạnh phụ huynh nên hỗ trợ thay vì làm thay việc của giáo viên: "Việc dạy kiến thức là mục đích và nhiệm vụ của trường học, của giáo viên. Nếu bố mẹ cũng làm việc đó nữa thì cho con đi học để làm gì? Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường học và giáo viên phải cân đối và hoàn thành cho tốt công việc đó. Cha mẹ sẽ chăm lo và giáo dục con cái ở nhiều khía cạnh khác, không phải lặp lại hay làm thay công việc của giáo viên. Cha mẹ đã có rất nhiều trách nhiệm mỗi ngày ở cơ quan và gia đình, xã hội cần phân công công việc, nên mỗi người phải chịu một trách nhiệm, một phạm vi riêng, đừng chồng chéo và đòi hỏi cha mẹ cũng phải làm công việc của những nhà giáo".
"Theo tôi, nhiệm vụ quan trọng nhất của cha mẹ là giáo dục con ý thức tự giác, cũng như tạo điều kiện tối đa cho việc tự học của con, kiểm tra, đôn đốc và sẵn sàng hỗ trợ giúp đỡ trong khả năng nếu con có khó khăn trong việc học (như gợi mở phương hướng, cách thức giải quyết) chứ không phải dạy con học. Ngày nay, rất ít bố mẹ nào có đủ cả kiến thức (kể cả bạn có là giáo sư, tiến sĩ thì kiến thức bây giờ cũng khác xa kiến thức hồi xưa bạn được dạy, chưa kể nhiều cái đã quên do lâu không dùng đến), kiến thức sư phạm và thời gian để dạy con. Bạn chỉ nên dạy con trong một, hai năm đầu để tạo nề nếp cho trẻ. Việc tự học cũng là cách để xây dựng tính cách tự lập cho trẻ", độc giả Le Anh Hoang bổ sung thêm.
Khẳng định việc tự học là cần thiết cho sự phát triển của trẻ, bạn đọc Huynh Mai cho rằng cha mẹ không nên can thiệp quá sâu: "Tôi đồng ý với quan điểm trên nhưng theo một góc nhìn khác hơn:
1. Học là vấn đề của trẻ, hãy để chúng tự giải quyết. Các kiến thức trong nhà trường được nâng cấp từ dễ đến khó tùy theo năng lực của trẻ, tuổi nhỏ làm bài dễ và nâng dần độ khó lên. Vấn đề là cha mẹ hãy để con cái tự đối mặt và giải quyết vấn đề của mình, cũng như tự chịu trách nhiệm nếu chúng làm sai (sẽ bị điểm kém). Đây là điều hết sức bình thường, bởi có bị điểm kém, trẻ mới ráng tìm cách cải thiện, và thấy hãnh diện khi điểm cao. Phải để trẻ giải quyết được các vấn đề nhỏ thì sau này chúng mới mới xử lý được những vấn đề lớn hơn.
2. Muốn con phát triển, cha mẹ đừng làm con phải "sợ". Thay vào đó, phụ huynh nên dạy con theo kiểu khuyến khích, động viên, không phải bắt ép học. Có như vậy, con mới phát triển một cách vui vẻ, tự tin. Ví dụ, cháu tôi học lớp 1, chị bắt tôi lấy sách tiếng Việt dạy cháu đọc chữ, nhưng bản thân bé lại chẳng muốn chút nào. Bởi vậy, tôi nằm chơi với cháu, rồi hỏi vui để bé đánh vần "bà", "mẹ", "em", "cò", "bò"... Mỗi lần cháu đọc tốt, tôi đều khen và bé rất vui. Đôi lúc, tôi dắt cháu đi mua bánh để thưởng, dọc đường gặp chữ nào trên biển hiệu, tôi lại hỏi vu vơ "cái này đọc làm sao?" và để bé tự suy nghĩ và đọc một cách hào hứng.
Đôi khi cha mẹ phải dũng cảm, hãy để con rớt xuống thấp, để chúng biết nỗ lực vươn lên, tìm điểm cao hơn, Và quan trọng nhất, hãy để con tự làm, vị trí chúng ta chỉ là ở phía sau cổ vũ mà thôi".
>> 'Buộc trẻ lớp 1 viết đúng, đọc chuẩn - vừa muộn vừa vội'
Nhấn mạnh việc cha mẹ dạy con là không sai, nhưng cần có chọn lọc, giới hạn, độc giả Cửu Long Vinh Bùi nêu quan điểm:
"1. Việc cha mẹ dạy con cái là điều không hề sai, không những gắn bó hơn tình cảm bố - con, mẹ - con, mà còn thể hiện sự trách nhiệm của mình với việc phát triển tư duy của con cái.
2. Tuy nhiên, không phải ai cũng có kỹ năng sư phạm để truyền đạt được tư duy đúng cho con,. Nếu cha mẹ truyền đạt sai cách, có thể dẫn tới sai lầm trong tư duy của trẻ và vô tình làm lại con chứ không phải giúp con. Cái cần truyền đạt cho con nhiều nhất là ý thức và phương pháp tự học, tự nghiên cứu, chứ không phải cách giải bài tập.
3. Phải quay ngược lại vấn đề: tại sao bố mẹ phải dạy con, ép con học, cho con đi học thêm? Câu trả lời nằm ở chương trình giáo dục và phương pháp giảng dạy trên lớp. Nếu chương trình giáo dục đủ logic và độ nặng kiến thức vừa đủ, thống nhất, kết hợp với cách dạy tư duy đúng đắn, sẽ chẳng sinh ra chuyện trẻ đi học về mà vẫn ngơ ngác không biết giải bài tập thế nào?
4. Không hiếm những câu chuyện về một bài toán có hai, ba cách giải và đáp án khác nhau. Sự không đồng nhất về nội dung và nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy hiện tại ở một số nơi, với một số giáo viên cũng chẳng khác nào bố mẹ tự dạy con học ở nhà.
Giợi ý về phương pháp dạy con đúng đắn, bạn đọc Dung Cai chia sẻ: "Tại sao có nhiều phụ huynh vẫn chưa chấp nhận sự thật rằng: mình đang thua kiến thức của con. Vì giáo trình đã trải qua nhiều cải cách, nên muốn dạy được con, các cha mẹ cũng nên xem lại định nghĩa bài toán đó thế nào, áp dụng công thức làm bài ra sao, tìm hiểu xem cách con hiểu bài đến đâu, thuộc công thức hay định nghĩa đến mức nào? Đồng thời, phụ huynh cũng cần tìm hiểu phương pháp dạy của thầy cô trên lớp. Nếu con không hiểu bài, phụ huynh nên làm một cuốn sổ riêng và ghi lại những vấn đề này để nhờ thầy, cô chỉ lại giúp con.
Điều đó đảm bảo giữa thầy cô và phụ huynh sẽ gắn bó hơn trong việc giám sát con học (có lợi cho cả hai phía), vừa tạo được sự trao đổi gần gũi giữa học trò và thầy cô. Cho dù bạn là người có kiến thức tốt hay không, cũng không nên dạy con theo ý của mình. Ngoài ra, việc học của các cháu ở trên lớp đã nhiều, nên để các con nghỉ ngơi và ngủ đủ tám tiếng để ngày mai tiếp tục việc học tốt hơn.
Hy vọng phụ huynh cũng có cách nhìn khách quan về vấn đề này, không nên gây áp lực cho cháu. Những gì con không hiểu, cha mẹ nên chép vào sổ tay và nói con đưa cho thầy cô để được hướng dẫn thêm, tránh ảnh hưởng tới những đứa trẻ đang trong thời kỳ phát triển trí não".
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.