Tôi là tác giả bài viết Biết chữ thành tiêu chuẩn 'tốt nghiệp' mầm non về việc giáo dục tiểu học. Ở các nước phát triển khác như Mỹ, Anh, Australia, Đức, Canada đều dạy chữ cho trẻ năm tuổi, tức là tương đương với bậc mẫu giáo lớp lá ở ta. Quá trình dạy trẻ cách nhận biết mặt chữ là quá trình dài và khó khăn, ta không thể phủ nhận điều đó. Vì thế, tôi không ngạc nhiên nhưng rất bức xúc khi cả giáo viên, phụ huynh và học sinh lớp 1 hiện nay đang phải vật lộn với việc nhận diện con chữ ngay trong những ngày đầu tiên của chương trình mới. Chúng ta đã rất chậm, rất vội và tiếp cận không sát với phát triển tâm sinh lý của trẻ trong vấn đề này.
Ta chậm khi phải đợi đến lớp 1 mới bắt đầu dạy trẻ khi trẻ có thể tiếp nhận những nội dung này sớm hơn. Ta chậm vì đã lãng phí khoảng thời gian này cho trẻ tiếp cận hình ảnh của chữ cái và âm thanh theo hình thức trực quan sinh động. Điều này dẫn đến sự eo hẹp thời gian khi dồn chương trình vào lớp 1 và thế là ta vội.
Ta vội khi làm chương trình buộc trẻ chỉ trong một học kỳ phải nhận biết được hết mặt chữ và ráp vần, ráp thanh. Sẽ không hề dễ dàng chút nào cho trẻ khi mới "chân ướt chân ráo" vào lớp 1 và đã được kỳ vọng phải làm được những điều này trong vài tháng. Quá trình này cần có thời gian để thẩm thấu. Và việc bắt đầu sớm hơn tạo khoảng không gian và thời gian cho cả giáo viên, phụ huynh và học sinh thực hiện.
Sự chậm và vội nay còn bị làm cho xấu hơn khi trẻ được dạy theo cách rất công thức và học thuật thay vì cách dạy trực quan sinh động bằng hình ảnh, âm thanh. Trong bài viết trước của mình, tôi có đề cập đến việc người Mỹ đã cải tổ lại việc dạy đọc cho trẻ bằng cách dạy trẻ "sight words, say" khi trẻ đã nhận diện được mặt chữ cái. Nghĩa là trẻ sẽ được dạy đọc những chữ đơn giản nhất và vần với nhau để nhớ vần rồi từ đó phát triển rộng ra. Ví dụ cat- hat- bat hay bed - fed - red, rồi từ từ đến hair - fair - chair hay cash - lash - trash.
Người lớn chúng ta mặc định khi dạy trẻ ráp thanh "bờ a ba" với "huyền" thì phải thành "bà", với "sắc" thì phải thành "bá", và thấy nó quá dễ. Nhưng hãy đặt mình vào vị trí của trẻ để thấy các bé đang bối rối, mông lung thế nào là "bà", "bá", "bả" hay "bạ". Tôi đã lầm to khi dạy chính con mình khi chúng lớn lên trong môi trường tiếng Anh, ngôn ngữ không có âm tiết kiểu Việt. Ta hãy thử tự mình đọc "ba huyền" xem có sự biến đổi tự nhiên nào để thành "bà" không, cả từ trong logic lẫn âm thanh. Rõ ràng là không.
Do vậy, cách áp đặt dấu một cách khiên cưỡng của người lớn như thế không có hiệu quả, phản tác dụng và tạo tâm lý ức chế. Vì thế, âm tiết và ghép thanh cũng nên được dạy nhận diện theo kiểu nhận diện từng chữ cái. Tôi nghĩ ta có thể dạy trẻ theo cách "sight words" theo từng tổ hợp vần, âm và thanh điệu, ví dụ bà - cà - gà hay lá - má - cá hay cỏ - đỏ - mỏ. Bắt đầu bằng những vần, âm đơn giản nhất và sau đó mở rộng từ từ sang các hợp vần, hợp âm dài hơn khó hơn, ví dụ như hỏi - tỏi - sỏi hay thương - hương - sương. Còn cách dạy áp đặt sẽ khó cho trẻ.
>> 'Nên giảm 50% khối lượng kiến thức cho học sinh tiểu học'
Về chuyện tập viết, trẻ năm, sáu tuổi, cả vận động thô và tinh của bàn tay hay ngón tay đều chưa hoàn thiện. Đồng thời khả năng và thời gian tập trung, cũng như cả tính kiên nhẫn đều ngắn, nên việc phải rèn chữ viết cho đúng và đẹp là không thích hợp.
Tôi đã quan sát, tìm hiểu và thấy rằng, do sự phát triển của não trẻ mà việc viết nhầm theo kiểu đối xứng ngược rất phổ biến ở giai đoạn này. Ví dụ như d và b, q và p, K và ꓘ hay R thành Я. Ta thấy việc này khi trẻ mới tập đi giày, trẻ hay lẫn lộn giữa chiếc phải và chiếc trái. Đây hoàn toàn là sự phát triển bình thường của não trẻ trong quá trình phát triển về xử lý hình ảnh không gian (spatial processing).
Ở đây, giáo viên sẽ nhắc nhở nhưng không nên sửa gay gắt vì đến một lúc nào đó trẻ sẽ tự điều chỉnh được. Việc trẻ mắc lỗi không nên bị la mắng mà cần được cho phép trong một chừng mực nào đó, vì chỉ bằng cách đó trẻ mới học hiệu quả được. Trong vấn đề tập viết, trẻ sẽ tập viết chữ chân phương nhất có thể, khổ chữ lớn phù hợp với vận động tay. Điều này hoàn toàn trái ngược với cách dạy ở ta khi trẻ phải tập viết chính xác chữ kiểu trên từng ô ly bé xíu ngay từ lớp 1.
Đối với giáo viên hay phụ huynh, ta cần phải thật sự kiên nhẫn và chấp nhận cho trẻ mắc lỗi. Việc trẻ mắc lỗi khi đọc, viết, nhận biết mặt chữ là hoàn toàn chấp nhận được vì quá trình mắc lỗi, nhận lỗi, sửa lỗi có giá trị tích cực hơn nhiều khi trẻ làm đúng ngay. Ta nên khen trẻ nhiều hơn khi trẻ trải qua cả một quá trình khó khăn để đến được đích đến mong muốn. Đừng chỉ nên khen trẻ khi và chỉ khi trẻ làm đẹp hay đúng ngay kết quả mà người lớn muốn.
Trở lại với tình hình hiện nay, tôi nghĩ rằng, chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận việc trẻ cần nhiều thời gian hơn để làm quen với con chữ, học chữ và tập đọc. Để từ đó, ta có thể đưa ra những điều chỉnh thích hợp, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ bước chân vào quãng đời học sinh của mình nhẹ nhàng, tích cực, vui tươi, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, thay vì phải vật vã khó khăn như bây giờ.
>> Bạn có đồng tình với quan điểm dạy chữ sớm cho trẻ? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.