Những ngày qua, dư luận nóng lên với chia sẻ về quá trình đánh vật với việc hướng dẫn con học của nhiều bậc cha mẹ có con năm nay học lớp 1 theo chương trình sách giáo khoa mới. Qua những chia sẻ ấy, chúng ta không khỏi giật mình với tiến độ học tập "thần kỳ" của những cô cậu "sinh viên đại học chữ to" này. Theo đó, ở bộ môn Tiếng Việt, chỉ trong bốn tiết đầu tiên, các em phải hoàn thành các nội dung giới thiệu về bản thân, nhớ tên các bạn trong lớp, làm quen với bộ sách giáo khoa, đồ dùng học tập và các quy tắc sinh hoạt tại trường, lớp, làm quen với 10 loại nét chính của chữ viết và kỹ thuật đọc. Sau đó, cứ mỗi buổi học, trẻ được làm quen với hai âm, học liên tục một tuần 10 âm rồi ghép vần và viết chính tả luôn. Kết thúc tuần học thứ nhất, trẻ phải đọc được cả đoạn văn bản dài, đọc trơn tru từng tiếng chứ không được đánh vần nữa.
Nếu so với chương trình Tiếng Việt công nghệ giáo dục của năm học 2019 – 2020, việc đánh vần được kéo dài trong suốt quá trình học các âm, chữ cái, chữ ghép vần, sau khi đánh vần là đọc trơn. Quá trình đó lặp đi lặp lại kéo dài và phải sang đến tiết hai của tuần học thứ chín, học sinh mới được yêu cầu đọc trơn từng tiếng tiến tới đọc câu và đoạn văn bản. Ở bộ môn Toán, ngay từ những tuần đầu, trẻ phải làm quen với phép cộng ba con số trong khi còn đang phải đánh vật với phép cộng, trừ hai con số với nhau.
Nhiều cha mẹ cho biết, dù con học cả ngày ở trường nhưng hôm nào về cũng phải hoàn thành hai tờ bài tập Toán và Tiếng Việt cô giao. Tối nào cha mẹ, con cái cũng phải đánh vật với nhau tới 23h mà bài vở vẫn chưa xong. Nhiều người đã phải chọn giải pháp viết hộ con bài tập cho nhanh mà tặc lưỡi "kiểu gì hết cấp một con cũng biết đọc, biết viết". Nhiều gia đình không gò ép con học quá nhiều ở bậc tiểu học nên thời gian trước khi bước vào năm học chính thức, chỉ cho con học bảng chữ cái và làm quen với các con chữ, chứ chưa dạy con viết. Nhưng tuần đầu tiên của năm học mới, các bé lập tức trở thành học sinh đuối nhất lớp vì các bạn khác hầu hết đã đọc, viết thành thạo. Những cháu không học trước như sẽ trở nên lạc lõng và cảm thấy ngộp thở với tiến độ chương trình học.
Cha mẹ đánh vật, các thầy cô dạy chương trình mới cũng không khỏi vất vả. Chương trình theo sách giáo khoa mới vội và không sâu. Như môn Tiếng Việt, nếu học sinh nào chưa thuộc bảng chữ cái sẽ không thể nhớ được các âm, vần với tiến độ học như hiện nay. Ở chương trình công nghệ giáo dục, học sinh được học viết hằng ngày thì nay cả tuần mới có hai bài tập viết. Chính vì vậy, trẻ mới bắt đầu vào học sẽ rất dễ quên kiến thức.
>> Cải cách sách giáo khoa - 'bê kiến thức lớp trên xuống lớp dưới'
Còn nhớ, ngay từ năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chỉ thị số 2325/CT-BDGĐT, cấm việc dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ. Tuy nhiên, với chương trình sách giáo khoa được biên soạn theo kiểu "chưa học bò đã lo học chạy" này, nhiều bậc cha mẹ kiên quyết không cho con học thêm, học trước để giữ gìn cho con niềm háo hức, đam mê khi tới trường sẽ không khỏi bất lực và hoang mang liệu họ có sai lầm hay là con họ "quá dốt", "có vấn đề về nhận thức" nên không thể theo học nổi? Và chỉ thị cấm dạy trước chương trình lớp 1 kia dường như chỉ là một khẩu hiệu mang tính hình thức.
Một lần tình cờ, tôi tìm được một tấm ảnh chụp lại lời ngỏ trong một cuốn sách dành cho học sinh tiểu học của Nha Tiểu học và giáo dục cộng đồng (giai đoạn những năm 1945 – 1954). Ngoài những nhắn nhủ về việc cần có thói quen để sách ngăn nắp, lời ngỏ có đoạn: "Sách này còn dùng cho các niên học sau, cho các em đến sau mượn, vậy các em đừng để ai vẽ gạch bậy bạ. Các em đừng ghi chú gì vào sách. Nếu cần lắm thì chỉ ghi rất nhẹ tay bằng bút chì để sau dễ tẩy đi". Một lời ngỏ nhẹ nhàng, gần gũi nhưng không khỏi khiến người đọc lặng người vì gửi gắm được bài học sâu sắc và giản dị về đức tính tiết kiệm, thói quen yêu quý, nâng niu những cuốn sách.
Đối chiếu với lời ngỏ cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều năm học 2020 - 2021, để hiện thực hóa phương châm giáo dục rất hay "mang cuộc sống vào bài học – đưa bài học vào cuộc sống" lại là những lời mô tả về cuốn sách hết sức khô khan: "Sách dạy học sinh học đọc, học viết và phát triển các kỹ năng nghe, nói tiếng Việt, đồng thời dạy học sinh cách đọc hiểu các sáng tác văn học, văn bản thông tin phù hợp với lứa tuổi. Nội dung và hình thức trình bày các bài học trong sách hấp dẫn, khơi gợi trí tò mò khoa học, phát huy tính tích cực, khả năng tự học, tự vận dụng những điều đã học vào cuộc sống...". Hoàn toàn không có một chút tình cảm yêu thương, nhắn nhủ, tâm tình nào của những người làm sách gửi gắm tới những người đọc – người học cuốn sách. Tất cả chỉ còn là những mục tiêu vời vợi, khó hình dung đối với trẻ.
Phải chăng, những người viết sách quên mất, bạn đọc của những cuốn sách này mới chỉ là những cô bé, cậu bé vừa chập chững làm quen với chữ cái, con số với đầy sự háo hức và cả sợ hãi, chơi vơi trước một chân trời tri thức rộng lớn đang mở ra trước mắt. Thay vì đồng hành, dẫn dắt, khơi gợi và khích lệ, người viết cuốn sách này lại đem "núi kiến thức" khổng lồ nhấn chìm trẻ trong hoảng sợ và cảm giác bất lực với bản thân. Có cảm giác, những người làm sách đang muốn "bón thúc" những đứa trẻ ngay từ những ngày đầu của hành trình "cắm rễ" vào sự học.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.