Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đề nghị các trường không giao thêm bài tập về nhà để tránh quá tải cho học sinh lớp 1. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trẻ vẫn phải gồng mình với khối lượng bài tập về nhà quá lớn. Độc giả Hoàng Long chia sẻ: "Từ khi con vào lớp 1, gần như đêm nào hai cha con tôi cũng xoay từ 19h30 đến 21h30 vẫn không hết bài tập về nhà. Thực sự quá áp lực. Con tôi được cô đánh giá sáng dạ, tiếp thu nhanh, xếp thứ hai trong lớp, chỉ sau một bạn khác được học trước khi vào lớp 1. Con tôi như trang giấy trắng, vẫn đang tập cầm bút đúng cách. Thực sự, tôi thấy phần bài tập về nhà quá nhiều, từ vở bài tập đến luyện viết, Đạo đức, Tự nhiên xã hội, Tiếng Việt, Toán... đều có vở bài tập".
Nhiều gia đinh dù con không bị giao bài tập về nhà nhưng cha mẹ vẫn phải chủ động kèm thêm con do khối lượng kiến thức quá nhiều khiến trẻ không kịp tiếp thu hết, cộng thêm áp lực từ giáo viên. Bạn đọc Đỗ Anh Tuấn: "Cho dù giáo viên có không giao bài tập về nhà đi nữa thì cha mẹ vẫn phải kèm cặp, định hướng, hỗ trợ thêm cho con sau giờ học mới theo kịp được các bạn. Tôi tin không có cha mẹ nào dám cho con chơi thoải mái khi về nhà hoặc chỉ kèm cặp thêm trong 30 phút đổ lạ. Nếu không kèm cặp, sau một tuần sẽ có tin nhắn hoặc lời than thở trực tiếp của giáo viên về việc "bé còn chậm và chưa theo kịp với các bạn trong lớp, đề nghị phụ huynh kèm cặp thêm". Không ép bé học thêm tại nhà thì xin hỏi phụ huynh như tôi xử lý như thế nào bây giờ? Chẳng lẽ tìm trường khác cho con học? Hay cứ mặc cho bé phát triển tự nhiên để rồi nghe lời phàn nàn từ giáo viên?".
Đồng tình với quan điểm trên, độc giả Đỗ Minh cho rằng nguyên nhân chính đẫn đế việc trẻ bị quá tải nằm ở khối lượng kiến thức trên lớp quá nhiều: "Vấn đề không phải là làm bài tập về nhà khiến trẻ bị quá tải mà ở chỗ nội dung kiến thức học ngày nay đối với học sinh lớp 1 đang quá sức. Chúng ta không cho bé học trước khi vào lớp 1, nhưng thực tế chương trình học của lớp 1 lại quá nhiều, và yêu cầu quá cao. Nếu ai có con đang học lớp 1 sẽ hiểu. Trong lúc bé chỉ mới học đánh vần và ghép vần, thì nội dung chương trình đã bắt bé phải viết được một đoạn văn hoàn chỉnh và liên tục. Tức là các bé tập đi chưa vững, nay đã bắt chạy rồi, bảo sao các con và phụ huynh không quá tải? Nếu là các bé nhanh nhạy, học giỏi thì có thể lướt qua, còn các bé sức học trung bình và yếu sẽ đuối ngay. Không phải ai cũng có con là thần đồng cả".
>> 'Cha mẹ không phải chịu trách nhiệm dạy con học'
Khẳng định việc giao bài tập về nhà cho học sinh (không chỉ riêng lớp 1) là không nên, bạn đọc Trongthangpm lấy dẫn chứng từ các nước phát triển:
Sao lại chỉ lớp 1? Theo tôi, không nên giao bài tập về nhà cho tất cả học sinh tiểu học mới đúng. Hãy nhìn sang các nước phát triển hơn, đặc biệt là các nước Âu - Mỹ, các cháu cấp một chỉ học ở trường, ngoài giờ là thời gian chơi, thế mới phát triển trí não, trí lực cho các cháu được. Nhồi nhét kiến thức quá sớm chỉ làm hại các cháu, làm thui chột sự phát triển tự nhiên. Hãy nghĩ xem, cây non mới trồng mà tưới nhiều phân thì cây sẽ chết, hoặc phát triển quá nhanh cây sẽ yếu".
"Những người làm giáo dục phải lắng nghe ý kiến của phụ huynh học sinh và thầy cô giáo thì cải cách mới hiệu quả được. Con người không ai giống ai, có người nhanh, người chậm. Người chậm học chương trình bình thường cũng thấy nhanh, mà người nhanh học chương trình bình thường cũng thấy nản. Nên cải cách là phải hướng đến phát triển toàn diện năng lực cá nhân, tạo điều kiện cho mọi người đều có cơ hội phát triển hoàn thiện", độc giả Hiệp sĩ Đui nhấn mạnh.
Trong khi đó, bạn đọc HuongD cho rằng, muốn giảm tải kiến thức, không chỉ ngành giáo dục, các thầy cô mà ngay cả bản thân cha mẹ học sinh cũng cần thay đổi tư duy, giảm bớt kỳ vọng và áp lực lên trẻ: "Con tôi cũng học trường công lập nhưng hôm nào con đi học về, tôi cũng chỉ ngồi nghe con đọc lại bài đã học trên lớp. Chưa hôm nào tôi kèm con học quá 30 phút, thậm chí 15 phút còn không đến. Tôi thấy bản thân cha mẹ quá lo lắng cho con "không theo kịp các bạn" nên cứ theo đà cho con học thêm hoặc kèm con học rất lâu. Nếu cha mẹ nào cũng để nhẹ nhàng cho con thì không bao giờ có chữ "phải theo kịp các bạn" cả, vì bé nào cũng xuất phát như nhau thì có gì phải theo?
Với tôi, kể cả con có viết chữ còn chưa tròn nét, nét chữ còn run thì tôi cũng không có gì lo lắng, vì dần dần con sẽ đâu vào đấy hết. Con lớn của tôi vào lớp 1 là trang giấy trắng, thế mà hết học kỳ I thậm chí còn vượt các bạn khác trong lớp dù xuất phát điểm chưa biết một chữ gì. Thế nên, hãy để các con lớp 1 có thời gian làm quen, để tuổi thơ con được học mà chơi, chơi mà học".
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.