Nói về bộ sách giáo khoa lớp 1 đang gây tranh cãi thời gian qua, độc giả Võ Hoài Nam, là một phụ huynh có con vào lớp 1, chỉ ra những bất cập:
"Tôi có hai con, cháu lớn học lớp 7, cháu nhỏ năm nay vào lớp 1. Phương pháp dạy con của tôi là đồng hành cùng bé. Kết quả, con lớn của tôi học rất tốt suốt bảy năm qua, chủ động trong học hành. Nhưng khi bé nhỏ vào lớp 1, tôi vẫn băn khoăn, trăn trở rất nhiều bởi sách giáo khoa cung cấp muộn, nên phụ huynh thiếu định hướng cho bé. Chương trình học, theo tôi thấy, tương đối nặng với trẻ lớp 1:
1. Môn Tiếng Việt: Các cháu còn nhỏ, ngôn ngữ trước giờ mang tính vùng miền, nhưng trong sách lại giảng dạy bằng ngôn ngữ phổ thông, nên việc hiểu hết toàn bộ câu chữ với các cháu là rất khó (các cháu miền Nam không hiểu các từ miền Bắc). Bên cạnh đó, hình ảnh minh họa không được rõ ràng, gây khó trong phân biệt...
2. Luyện viết: Các cháu quá khó khăn trong việc viết các chữ hai ôli (ví dụ chữ a), trong khi đó chữ viết cuối học kỳ I của các con chỉ còn một ôli...
3. Môn Toán: Phần đếm số lượng hình không rõ ràng để giúp các cháu phân biệt, như hình chữ nhật và hình vuông (phụ huynh phải dùng thước đo mới phân biệt được)...
Do vậy, theo ý kiến cá nhân tôi, Bộ nên rút kinh nghiệm cho những bộ sách tiếp theo, nên cho xuất bản và phát hành sớm hơn ít nhất là nửa năm để giáo viên có điều kiện nghiên cứu, phụ huynh và học sinh có điều kiện tham tham khảo trước, tránh tình trạng cập rập như hiện nay. Ngay cả các giáo viên cũng than khó khăn trong việc giảng dạy vì họ không những phải dạy học mà còn phải rèn luyện cho các cháu theo khuôn khổ chương trình".
>> Sách giáo khoa 'cải cách ngược'
Trong khi đó, với cương vị là một giáo viên dạy lớp 1, bạn đọc Vũ Phương Anh cho rằng khối lượng kiến thức phải cung cấp cho học sinh là quá nhiều:
"Bản thân tôi đang là giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020-2021 này. Tôi thấy lượng kiến thức phải cung cấp cho các em học sinh lớp 1 đang quá nhiều. Giáo viên phải gồng mình lên để truyền tải kiến thức cho đủ trong sách giáo khoa mới, trong khi học sinh chỉ như 'cưỡi ngựa xem hoa' vì quá nhiều kiến thức không thể dung nạp hết. Phụ huynh nào quan tâm, kèm cặp thêm cho con ở nhà thì bé đó mới theo kịp với chương trình của Bộ. Còn nhà nào quá bận, học sinh gần như chỉ hiểu lơ mơ. Trong khi đó, thầy cô lại quá nhiều việc, mỗi lớp sĩ số lên tới 50 em, với đủ loại hồ sơ, giáo án phải soạn theo mẫu mới.
Bản thân tôi thấy có nhiều thứ được "đẻ" thêm nhưng không cần thiết, quá dài dòng (quá nhiều sách cho một môn học). Ví dụ, môn Tiếng Anh, các bé mới chỉ bắt đầu làm quen mà đã có tới sáu cuốn sách. Cô" chạy" bài thôi cũng hết thời gian, lấy đâu ra để nắn nót, kèm cặp từng em. Học bài trước chưa thuộc, các em đã sang bài tiếp theo.
Tôi không hiểu giảm tải kiểu gì khi sách Tiếng Anh mới nhưng không cung cấp các file nghe, sách hướng dẫn cho giáo viên giảng dạy. Thay vào đó, giáo viên chúng tôi phải tự mày mò, nhiều lúc còn không hiểu ý đồ của tác giả. Là một giáo viên, tôi còn thấy oải chứ đừng nói tới phụ huynh và các em học sinh".
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.