Ngày 26/8, ThS.BS Lê Thị Ngọc Hằng, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết siêu âm tuyến giáp cho ông Tú phát hiện nhân giáp TIRADS 3-4, phân loại mức độ tổn thương có dấu hiệu ác tính. Kết quả chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ là carcinoma tuyến giáp thuộc Bethesda nhóm 4.
Theo BS.CKI Lê Chí Hiếu, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, bướu giáp của bệnh nhân không mọc thành chùm mà tách thành nhiều nhân nhỏ. Mỗi nhân có xu hướng phát triển khác nhau, lành tính hoặc ác tính. Nếu chỉ phẫu thuật loại bỏ nhân giáp ác tính, các nhân còn lại cũng có khả năng tiến triển thành ung thư. Mô giáp xung quanh vùng phẫu thuật cũng dễ phát triển nhân giáp mới. Do đó, êkíp quyết định cắt toàn bộ tuyến giáp cho bệnh nhân ngăn nguy cơ tái hình thành nhân giáp ác tính.
Sau gần hai giờ, kíp mổ lấy được toàn bộ tuyến giáp mà không gây ảnh hưởng các cơ quan lân cận. Sau mổ, ông Tú hồi phục nhanh, không gặp biến chứng, xuất viện sau hai ngày. Người bệnh tiếp tục được điều trị iốt phóng xạ để ngừa ung thư tái phát.
Bướu giáp đa nhân là bệnh phổ biến nhất trong số các rối loạn của tuyến giáp, có nguy cơ phát triển thành ung thư tuyến giáp. Bướu giáp đa nhân ở nam có tần suất ác tính cao hơn nữ. Các yếu tố nguy cơ của bướu giáp đa nhân gồm thiếu iốt, giới tính nữ, lớn tuổi, tiền sử gia đình. Viêm tuyến giáp Hashimoto (viêm tuyến giáp tự miễn dịch) cũng có liên quan đến hình thành nhân giáp.
Thông thường bệnh không gây ra triệu chứng, chỉ phát hiện khi đi khám sức khỏe định kỳ. Nhiều trường hợp bướu đa nhân thể hiện rõ ràng là khối u ở phía trước cổ, có thể nhìn thấy ngay. Đôi khi có các triệu chứng của tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) hoặc kém hoạt động (suy giáp).
Tuyến giáp hoạt động quá mức gây giảm cân, run tay, đánh trống ngực, không dung nạp nhiệt, rối loạn giấc ngủ, lo lắng... Tuyến giáp hoạt động kém liên quan đến tăng cân, khô da, chuột rút cơ, không chịu được lạnh, táo bón... Nếu bướu giáp và các nhân phát triển lớn dẫn đến khó nuốt, khó thở, khàn giọng hoặc cảm giác thắt chặt quanh cổ họng.
Bác sĩ Hằng cho biết các phương pháp điều trị bướu giáp đa nhân gồm thuốc kháng giáp, iốt phóng xạ hoặc phẫu thuật. Tùy từng tình trạng người bệnh, bác sĩ tư vấn phương án tối ưu, có thể kết hợp cả ba phương pháp để mang lại hiệu quả cao.
Thu Hà
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi