Sỏi thận là loại sỏi tiết niệu phổ biến nhất, hình thành do quá nhiều khoáng chất tích tụ trong nước tiểu. Khi cơ thể không được cung cấp đủ nước, nước tiểu trở nên cô đặc và hàm lượng khoáng chất này kết tinh thành những viên sỏi. Chúng hình thành bên trong thận và có thể di chuyển đến các bộ phận khác của đường tiết niệu.
Sỏi thận kích thước nhỏ thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Bạn có thể không nhận thấy bất thường cho đến khi sỏi di chuyển vào niệu quản, tức ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang. Nếu sỏi đủ nhỏ, nó tiếp tục từ bàng quang đến niệu đạo và thoát ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Hầu hết viên sỏi mất khoảng 31-45 ngày để tự đào thải. Nếu sỏi thận kích thước lớn, người bệnh có thể gặp 8 dấu hiệu và triệu chứng dưới đây.
Đau lưng, bụng hoặc hông
Đau bụng do sỏi thận đôi khi rất dữ dội. Cơn đau thường bắt đầu khi sỏi di chuyển vào niệu quản, gây tắc nghẽn và gia tăng áp lực trong thận. Áp lực kích hoạt các dây thần kinh truyền tín hiệu đau đến não. Cơn đau do sỏi thận bắt đầu đột ngột, đến và đi theo từng đợt. Khi sỏi di chuyển, cơn đau thay đổi vị trí và cường độ. Tình trạng càng trầm trọng hơn nếu niệu quản co thắt để cố gắng đẩy sỏi ra ngoài. Mỗi đợt đau có thể kéo dài vài phút, biến mất và sau đó quay lại.
Thông thường, người bệnh cảm thấy đau dọc theo bên hông và lưng, bên dưới xương sườn, có thể lan ra vùng bụng, bẹn khi sỏi di chuyển xuống đường tiết niệu. Sỏi lớn gây đau hơn những viên sỏi nhỏ, nhưng mức độ nghiêm trọng không nhất thiết liên quan đến kích thước. Một viên sỏi nhỏ cũng có thể gây đau khi di chuyển hoặc gây tắc nghẽn.
Đau hoặc rát khi đi tiểu
Khi sỏi đến điểm nối giữa niệu quản và bàng quang sẽ tạo ra cảm giác đau, nóng rát khi đi tiểu. Triệu chứng này dễ nhầm lẫn với nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI).
Tiểu gấp
Nhu cầu đi vệ sinh khẩn cấp hoặc thường xuyên hơn là dấu hiệu khác cho thấy sỏi đã di chuyển vào phần dưới đường tiết niệu. Tình trạng này cũng giống triệu chứng của UTI.
Tiểu máu
Đây là triệu chứng phổ biến ở người bị sỏi thận. Máu có thể có màu đỏ, hồng hoặc nâu. Đôi khi các tế bào máu quá nhỏ và chỉ có thể phát hiện thông qua xét nghiệm nước tiểu.
Nước tiểu đục
Nước tiểu khỏe mạnh thường có màu vàng trong và không có mùi nồng. Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi có thể là dấu hiệu nhiễm trùng ở thận hoặc một phần khác của đường tiết niệu. Đục là dấu hiệu của mủ trong nước tiểu, còn mùi hôi có thể đến từ vi khuẩn gây nhiễm trùng tiểu hoặc do nước tiểu cô đặc hơn bình thường. Nhiễm trùng tiểu do sỏi thận là trường hợp cấp cứu ngoại khoa, bệnh nhân có thể sốt hoặc không.
Tiểu rắt
Sỏi thận lớn đôi khi bị mắc kẹt trong niệu quản, cản trở dòng nước tiểu, dẫn đến tiểu khó, tiểu rắt từng ít một. Nếu ứ đọng quá nhiều nước tiểu trong bàng quang do bí tiểu, bệnh nhân cần được cấp cứu.
Buồn nôn, nôn
Người bị sỏi thận thường cảm thấy buồn nôn và ói mửa. Triệu chứng này xảy ra do các kết nối thần kinh chung giữa thận và đường tiêu hóa. Sỏi thận có thể kích hoạt các dây thần kinh trong đường tiêu hóa, tạo cảm giác khó chịu cho dạ dày. Buồn nôn và nôn cũng có thể là cách cơ thể phản ứng với cơn đau dữ dội.
Sốt, ớn lạnh
Sốt và ớn lạnh là dấu hiệu nhiễm trùng ở thận hoặc một phần khác của đường tiết niệu, một biến chứng nghiêm trọng của sỏi thận. Đây cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề nghiêm trọng khác ngoài sỏi thận. Sốt do nhiễm trùng thường từ 38 độ C trở lên, kèm ớn lạnh hoặc run rẩy.
Ai cũng có thể bị sỏi thận nhưng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như nam giới, gia đình có tiền sử bị sỏi thận, không uống đủ nước, ăn nhiều chất đạm, muối, đường, thừa cân hoặc béo phì, tiểu đường, từng cắt dạ dày hoặc phẫu thuật đường tiêu hóa khác. Người bệnh bị đau bụng dữ dội kèm buồn nôn, nôn, sốt hoặc ớn lạnh, có máu trong nước tiểu nên sớm đi khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Anh Ngọc (Theo Healthline)