Góp ý xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS Phạm Trọng Thuật, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, kiến nghị: "Chỉ nên khuyến khích cho thuê nhà ở xã hội thay vì bán đứt như hiện nay vì thực tế người mua nhà xã hội thời gian qua không thực sự có thu nhập thấp và đa phần người lao động vẫn phải đi thuê".
Nói về những bất cập còn tồn tại trong chính sách nhà ở xã hội hiện nay, độc giả Chuồn phân tích: "Tôi thấy có nhiều điểm khó hiểu trong chính sách phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam hiện nay, như:
Thứ nhất, những người có khả năng mua được nhà ở xã hội hầu hết có thu nhập dao động từ 9 đến 15 triệu đồng - không thể nói là người có thu nhập thấp. Trong khi đó, những người có thu nhập thấp (dưới 9 triệu đồng một tháng) muốn mua nhà ở xã hội sẽ phải đi vay thêm. Sau khi trang trải mọi chi phí sinh hoạt và chăm lo cho con cái, họ gần như không còn dư nhiều. Vậy đối tượng này lấy đâu ra tiền trả lãi ngân hàng để mua nhà ở xã hội?
Thứ hai, giá thuê nhà hiện vẫn rất cao, do người có khả năng trả lãi dài hạn để mua đều vướng bẫy thuế thu nhập cá nhân, nên không mua được. Họ đành phải đi thuê nhà. Còn người thu nhập thấp thì tài chính cũng bấp bênh, khó mà xoay trả lãi ngân hàng, họ cũng phải đi thuê nhà. Điều đó vô tình tạo ra sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường cho thuê nhà ở, cầu vượt quá cung, đẩy giá thuê nhà lên cao.
Thứ ba, nhà ở xã hội hiện chỉ cần sau 5 năm là bán được. Trong khi đó, người có nhu cầu mua và ở thực gần như không thể tiếp cận được, hoặc nếu mua được thì cũng phải chịu phí môi giới rất cao. Vậy làm sao để giải quyết tình trạng này? Có nên tăng gấp đôi thời gian cho phép giao dịch mua bán nhà ở xã hội hay không?
Từ các vấn đề trên, tôi cho rằng cần thiết phải điều chỉnh lại các quy định về nhà ở xã hội cho phù hợp với thực tế. Mọi thứ đều liên kết với nhau thành một chuỗi. Nếu chúng ta chỉ chú ý giải quyết khúc đầu, khúc cuối, mà bỏ quên mất nút thắt cổ chai ở giữa là những người có thu nhập trung bình trở lên tiệm cận mức khá, vừa không đủ tiềm lực mua nhà ở thương mại, và cũng không đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Do đó, họ phải đi thuê trọ, trực tiếp cạnh tranh giá thuê nhà với người thu nhập thấp, tạo nên bất cập lớn".
>> Thay đổi tư duy bán nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp
Làm gì để giải bài toán nhà ở xã hội? Độc giả Hphoto đề xuất giải pháp liên quan đến thời hạn sở hữu nhà: "Phải xác định xây dựng nhà ở xã hội không phải là để thu lại lợi nhuận mà là nhằm phục vụ cho người lao động có thu nhập thấp. Do đó, cần giao nhà ở xã hội gắn với hộ gia đình trong vòng đời của nó, với số tiền vừa phải, phù hợp, xem như là chi phí thuê nhà. Đến khi hết hạn, nhà nước thu lại để tháo dỡ và xây dựng lại.
Khi không có nhu cầu sử dụng trước hạn, người sở hữu nhà ở xã hội được quyền bàn giao lại cho nhà nước và nhận hoàn trả số tiền thừa tương ứng (đã trừ các chi phí sửa chữa, khắc phục, khấu hao) để nhà nước giao lại cho người có nhu cầu. Hoặc người có nhu cầu cũng có thể đăng ký mua ở xã hội trong ngắn hạn hơn, tùy nhu cầu (tương ứng với đơn giá cao hơn).
Ngoài ra, cũng cần giới hạn thời hạn sử dụng nhà ở xã hội là 20 năm, sau đó phải thu hồi để xây dựng lại. Cư dân đang sinh sống cũng sẽ được bố trí mua nhà ở xã hội khác nếu có nhu cầu.
Bên cạnh đó, những ai đã có nhà hoặc bất động sản thổ cư bất kỳ cũng sẽ không được mua nhà ở xã hội. Đăng ký mua nhà ở xã hội cần phải qua cổng, một cửa, do nhà nước quản lý. Không được sang nhượng, mua bán để hạn chế đầu cơ, môi giới, mua bán sai mục đích".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.