Góp ý xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại hội thảo sáng 1/8, PGS Phạm Trọng Thuật, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, kiến nghị bổ sung chính sách đặc thù cho lao động thu nhập thấp tại Hà Nội. Đó là chính sách hỗ trợ thuê nhà xã hội; quy định diện tích căn hộ tối thiểu, công trình phúc lợi đi kèm.
"Chỉ nên khuyến khích cho thuê nhà ở xã hội thay vì bán đứt như hiện nay vì thực tế người mua nhà xã hội thời gian qua không thực sự có thu nhập thấp và đa phần người lao động vẫn phải đi thuê", ông Thuật nói.
Để tránh tiêu cực, bất công trong cung cấp nhà ở xã hội, ông kiến nghị giao thẩm quyền đầu tư dự án cho UBND thành phố hoặc Sở Xây dựng Hà Nội. Các khu nhà ở xã hội cho thuê phải được bảo đảm người thuê được ở lâu dài và giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương, cơ quan quản lý cán bộ, nhân viên thuê tại địa điểm đó.
PGS Hoàng Tùng, Phó hiệu trưởng Đại học Xây dựng Hà Nội, kiến nghị quy định cụ thể tiêu chí nhà xã hội. Theo đó, dự thảo phải có chính sách phát triển khu nhà xã hội tập trung theo hướng văn minh, hiện đại, đồng bộ hạ tầng. "Không chỉ khu nhà ở xã hội tập trung cho người lao động trong các khu công nghiệp mà còn có khu nhà ở xã hội tập trung cho trí thức trẻ", ông đề xuất.
Cùng với đó, thành phố xây dựng hệ thống tiêu chí nhà ở xã hội theo từng quận, huyện để có thể kiểm soát quy mô, tốc độ thực hiện các dự án; số căn hộ và diện tích/người; mức độ đáp ứng về dịch vụ hạ tầng xã hội, văn hóa; chuyển đổi số trong việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý các dự án nhà ở xã hội.
Cần phát triển đô thị vệ tinh
PGS Lê Đức Tình, Trưởng khoa Trắc địa - Bản đồ và Quản lý đất đai, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, cho rằng bất cập về cung ứng nhà xã hội là hệ quả của việc phát triển thiếu cân bằng.
Chương trình phát triển nhà ở Hà Nội giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2030 xác định mục tiêu đến năm 2030 diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 32 m2/người. Thành phố phấn đấu phát triển mới 5,5 triệu m2 nhà ở xã hội; 15,19 triệu m2 sàn nhà ở thương mại; 22,5 triệu m2 sàn nhà ở riêng lẻ. Tuy nhiên đến nay nhà ở xã hội thiếu khoảng 3,4 triệu m2; nhà ở cho công nhân thiếu 567.000 m2; nhà ở tái định cư thiếu 828.000 m2. Trong khi đó, diện tích nhà ở thương mại vượt mục tiêu.
Thời gian qua, chung cư thương mại được phát triển tập trung tại các quận làm dân số tăng nhanh, tạo áp lực lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, gây ùn tắc giao thông. Ngược lại, ở nhiều dự án nhà ở thấp tầng ở ngoại thành không tạo sức hút giãn dân; nhiều dự án bỏ hoang, gây lãng phí quỹ đất.
Nguyên nhân chủ yếu là bất cập quy định pháp luật, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư, dự án ở khu vực ngoài trung tâm kém hấp dẫn. Ngoài ra, cơ chế, ưu đãi chưa thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường nhà xã hội khu vực ngoại thành; quỹ đất dành cho phát triển nhà xã hội còn thiếu hụt.
Ông Tình kiến nghị Hà Nội đẩy mạnh phát triển đô thị vệ tinh và các khu vực dự kiến phát triển thành quận; tập trung đa dạng các loại hình nhà ở, chú trọng nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp nhằm giải quyết nhu cầu chỗ ở cho lao động.
Ngoài ra, thành phố cần tập trung thúc đẩy dự án phát triển nhà ở đang bị ách tắc; dành quỹ đất và cơ chế thúc đẩy nhà ở xã hội; đẩy mạnh triển khai cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà đầu tư - người dân - thành phố.
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến kỳ họp thứ 6 vào tháng 10. Lần sửa đổi này, UBND Hà Nội đề xuất thành lập cơ quan chuyên môn đặc thù cấp thành phố như Sở An toàn thực phẩm, Ban quản lý khu công nghệ cao, Đội quản lý trật tự xây dựng; tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố từ 95 lên 125; cho phép thành phố quyết định biên chế cán bộ, công chức; số lượng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Sơn Hà - Võ Hải