Đối tượng mua nhà ở xã hội chủ yếu thuộc ba nhóm: gia đình chính sách, người lao động tại khu công nghiệp và người thu nhập thấp tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, nếu như nhóm đầu tiên và thứ hai các tiêu chí khá rõ ràng, việc xác định nhóm người mua thứ ba lại gây nhiều tranh cãi bởi đây là nhóm có nhu cầu đông đảo nhất. Việc phải có hàng chục loại giấy tờ xác nhận khiến nhiều người thu nhập thất thực sự không thể đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Trong khi đó, nhiều người không thuộc nhóm thu nhập thấp hoặc đã có nhà vẫn có suất.
Nói về thực trạng những đối tượng mua được nhà ở xã hội hiện nay, độc giả Nangnv chia sẻ: " Để có câu trả lời đúng và giải quyết đúng đối tượng có nhu cầu mua nhà ở xã hội thì cần thiết phải có sự can thiệp mạnh mẽ của cơ quan quản lý nhà nước. Như trường hợp của tôi là một ví dụ. Tôi đang ở một chung cư nhà ở xã hội. Tôi biết rằng, nhiều người được mua nhà ở xã hội tại chung cư tôi là những người có tiền, có nhà, có xe hơi xịn, nhưng họ vẫn mua rồi bán lại.
Trong khi đó, những người có nhu cầu thực gần như không thể mua trực tiếp từ chủ đầu tư, họ chỉ có thể mua lại từ các F1 bằng hình thức ủy quyền, thừa kế để né luật, đương nhiên với giá chênh lệch từ 300-400 triệu đồng. Tôi thấy rằng điều kiện hồ sơ chưa đến đúng người có nhu cầu - những người ít tiền và vì cơm áo, công việc không đủ thời gian, kinh phí để lo đủ hồ sơ theo yêu cầu".
Đồng cảm với những bức xúc khi nhà ở xã hội không đến được đúng tay đối tượng cần hướng tới, độc giả Linh Giang Nguyen bình luận: "Bản thân gia đình tôi, tổng thu nhập của hai vợ chồng khoảng 30 triệu đồng, nhưng sau khi chi tiêu cho gia đình và hai con, chúng tôi cũng không tích lũy được bao nhiêu. Chúng tôi cũng không mua được nhà ở xã hội, và phải rất vất vả để trả được khoản tiền vay trong vòng 10 năm (không phải trả lãi). Thử hỏi với những người có thu nhập thấp hơn (để đủ điều kiện mua nhà ở xã hội), họ lấy đâu ra tiền để mua nhà?",
>> '17 năm tích lũy không mua nổi nhà ở xã hội'
'Lót tay' môi giới để mua nhà ở xã hội cả trăm triệu đồng để hoàn thiện hồ sơ mua nhà ở xã hội là cách mà nhiều người lựa chọn để mua được nhà. Độc giả Khanh kể về trường hợp của mình: "Tôi cũng là một người mua được nhà ở xã hội. Nhưng để làm được vậy, tôi phải mất phí lót tay 35 triệu đồng cho môi giới. Nhưng ai mua sau tôi thậm chí còn phải bỏ tới 80-100 triệu đồng. Nói thật, gọi là nhà ở xã hội nhưng người thu nhập thấp khó tiếp cận. Gần như sau ba năm, chung cư tôi ở có tới 50% hộ gia đình mua ôtô. Nên những gia đình có thu nhập kiểu dưới 15 triệu đồng một tháng gần như không thể mua được nhà ở xã hội".
Thừa nhận chính sách nhà ở xã hội chưa thể tiếp cận người có thu nhập thấp, bạn đọc LQ Thanh nhận định: "Nhà ở xã hội là chính sách ưu đãi của nhà nước dành cho những người thu nhập thấp, những gia đình khó khăn. Nhưng thực tế, những đối tượng này đa phần không đủ khả năng để mua nhà, cũng như đủ tiêu chí để vay ngân hàng. Thế nên, họ thường sẽ bán suất của mình cho những người đủ khả năng để kiếm một khoản. Những người đó có thu nhập khá hơn, nhưng chưa có nhà, hoặc thậm chí là đã có nhà, nay mua thêm để đầu tư, sau này bán lại kiếm lời.
Như vậy, ý nghĩa ban đầu của chính sách đã không thực hiện được. Tôi thấy thay vì nhà nước xây rồi bán nhà ở xã hội, thì nay không bán nữa mà chỉ xây rồi cho thuê với giá ưu đãi, có lẽ là giải pháp thực tế hơn, giúp giảm bớt nạn đầu cơ vào lĩnh vực bất động sản, dòng vốn có thể chảy vào các ngành nghề sản xuất, nghiên cứu phát triển khác".
Độc giả Hoàng Quốc Trung cũng đề xuất: "Cần có chế tài xử phạt với những trường hợp không thuộc diện mua nhà ở xã hội nhưng vẫn cố tình mua để trục lợi. Đây là hành vi làm mất cơ hội mua chỗ ở của người thực sự có nhu cầu, gián tiếp ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế khi người cần mua nhà mãi không mua được, còn người thừa tiền lại vẫn ôm thêm nhà để kiếm lời".
Lê Phạm tổng hợp
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.