Theo báo cáo mới đây, Bắc Ninh mới bán được 357 căn nhà ở công nhân, còn "ế" hơn 1.320 căn, dù đây là tỉnh đông khu công nghiệp, công nhân hàng đầu miền Bắc. Thời gian qua, các chủ đầu tư đã rao bán 1.681 căn nhà ở công nhân. Tuy nhiên, Bắc Ninh cho biết rất ít công nhân tại các khu công nghiệp đăng ký mua khi 7 dự án (trong tổng số 22 dự án nhà ở dành cho công nhân) còn tồn 1.324 căn. Vậy đâu là lý do khiến nhà ở xã hội dành cho công nhân ế ẩm?
Độc giả Linh Pham nhận định: "Nhà ở xã hội phù hợp cho những người đi làm ăn xa, chứ công nhân khu công nghiệp ở Bắc Ninh hầu hết đều ở các tỉnh lân cận hoặc miền núi phía Bắc, vậy họ mua nhà ở đây làm gì? Con cái họ đều gửi ở quê nhờ ông bà chăm, nếu có tiền họ thà xây lại cái nhà ở quê cho người thân ở thay vì mua nhà ở gần khu công nghiệp mà chẳng để làm gì.
Thêm nữa, giá chung cư ở đây vẫn quá cao so với thu nhập của công nhân. Nếu mua nhà ở xã hội dạng này, hàng tháng họ lại phải chịu thêm đủ loại phí. Công nhân mà có 800 triệu đồng một lúc để mua nhà thì chắc họ chẳng phải đi làm công nhân rồi. Thế nên, phần lớn công nhân vẫn chọn thuê trọ để tiết kiệm và thoải mái hơn cả.
Ngay cả có cho công nhân trả góp trong vòng 30 năm thì tôi tin họ cũng sẽ không mua nhà ở xã hội. Trước tiên, cần phải xem đối tượng mua nhà dạng này là ai? Người muốn mua nhà ở Bắc Ninh thì chỉ có người Bắc Ninh mà thôi. Còn công nhân quê ở Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng... nhà họ ở quê có khi đang thừa đất, nên nếu có tiền họ cũng không muốn mua chung cư. Trừ khi người làm trong khu công nghiệp đấy ở vị trí kỹ thuật hoặc tổ trưởng, lương trên 20 triệu đồng một tháng mới mua được. Còn công nhân lương 15 triệu trở xuống không kham nổi".
Đồng quan điểm, bạn đọc Phúc Thịnh Nguyễn cho rằng giá nhà là nguyên nhân chính khiến nhà ở cho công nhân ế khách mua: "Tôi là sinh viên ra trường, đi làm được hai năm, lương 11,5 triệu đồng một tháng (sau thuế) mà mới chỉ dành dụm được 20 triệu đồng. Trong khi đó, lương công nhân trong mấy xí nghiệp chỉ được khoảng 7 triệu đồng một tháng. Họ có tăng ca này nọ mới lên được hơn 9 triệu đồng. Với mức thu nhập của công nhân như vậy mà chủ đầu tư bán căn hộ giá 500 triệu đồng thì tới khi nào họ mới mua được? Với công nhân ở ta, có khi cả đời họ mới dư được 200 triệu đồng".
>> 'Người có xe hơi vẫn mua được nhà ở xã hội'
Giải pháp nào để giải quyết bài toán đầu ra nhà ở cho công nhân? Đôc giả Nguyen Dang Khoa bình luận: "Hiện nay, rất nhiều dự án nhà ở xã hội ở các tỉnh lẻ cũng đang gặp tình trạng tương tự. Nhà đầu tư thì thiết kế hoành tráng để làm đẹp khu đô thị. Trong khi nhu cầu của người lao động, đối tượng của nhà ở xã hội đó chính là giá thành thì ít được quan tâm đến.
Hiện nay, người lao động thu nhập thấp bỏ ra một số tiền không nhỏ để trả trước khoản ban đầu, sau đó hàng tháng phải trả nợ ngân hàng. Nếu không may mất việc hoặc có sự cố nào đó thì họ phải làm thế nào vì nhà ở xã hội phải 5 năm mới được mua bán, chuyển nhượng? Theo quan điểm của tôi, giải pháp hay nhất là xây nhà ở xã hội theo hình thức chung cư để cho thuê, còn thấp tầng thì bán. Tâm lý người dân ở tỉnh lẻ vẫn còn rất e ngại mua nhà chung cư vì đất rộng người thưa, chưa kể còn phải trả các loại phí như quản lý, chỗ để xe, bảo trì...".
Trong khi đó, bạn đọc Dân Đen lại cho rằng cho công nhân thuê nhà ở xã hội cũng chưa chắc đã khả thi: "Nếu giá không cao thì đã không bị ế nhiều đến vậy. Tóm lại, người lao động thu nhập thấp không mua nổi thì chứng tỏ giá bán đang cao so với khả năng của họ. Ngay cả khi cho thuê nhà ở dạng này cũng sẽ vẫn ế vì giá thuê chắc chắn sẽ cao hơn các phòng trọ bình dân bên ngoài, lại phải trả thêm phí gửi xe máy và những khoản lặt vặt khác. Mua không nổi, thuê cũng không hiệu quả, nên có thể nói bài toán xây 1 triệu căn nhà ở xã hội cho công nhân là không khả thi.
Đặc thù công việc của công nhân là công việc bấp bênh, nay đang làm nhưng có thể mai lại bị cho nghỉ, thu nhập không ổn định, tiền nhà trọ có khi nợ chủ nhà mấy tháng không trả nổi. Vậy công nhân lấy tiền đâu mà mua nhà ở xã hội? Cứ đi thực tế vào những dãy trọ của công nhân là sẽ rõ. Với công nhân, thu nhập đủ ăn, không phải vay nợ đã là mừng lắm rồi".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.