Có hai loại vô sinh gồm nguyên phát và thứ phát. Vô sinh nguyên phát là tình trạng không thể thụ thai, thường là sau một năm quan hệ đều đặn hoặc 6 tháng với phụ nữ từ 35 tuổi trở lên. Vô sinh thứ phát là tình trạng khó thụ thai sau khi đã sinh con ít nhất một lần. Điều này có thể do khả năng sinh sản của phụ nữ lẫn nam giới đều thay đổi theo thời gian, những vấn đề ở hệ sinh sản sau khi sinh con hoặc tuổi tác. Một số nguyên nhân phổ biến gây vô sinh nói chung dưới đây cũng thường liên quan đến vô sinh thứ phát.
Rối loạn rụng trứng
Hầu hết trường hợp vô sinh nữ liên quan đến rối loạn rụng trứng, tức rụng trứng không thường xuyên. Những vấn đề về rụng trứng có thể do một số tình trạng và yếu tố gây ra như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), suy buồng trứng nguyên phát (POI), giảm sản xuất trứng do lão hóa, rối loạn tuyến giáp hoặc rối loạn nội tiết khác. Yếu tố lối sống như béo phì, dinh dưỡng kém, uống nhiều rượu bia... cũng tác động đến quá trình rụng trứng.
PCOS là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây vô sinh, khiến buồng trứng hoặc tuyến thượng thận sản xuất quá nhiều hormone ngăn không cho buồng trứng giải phóng trứng. Hội chứng này cũng có thể khiến u nang phát triển trên buồng trứng. Phần lớn phụ nữ mắc hội chứng này có thể điều trị bằng thuốc và mang thai thành công.
Vấn đề ở tử cung hoặc ống dẫn trứng
Những vấn đề về cấu trúc tử cung hoặc dẫn trứng có thể khiến phụ nữ khó mang thai. Ví dụ, tắc nghẽn ống dẫn trứng làm cho tinh trùng và trứng không thể gặp nhau. Tử cung khiếm khuyết cấu trúc ngăn cản quá trình làm tổ của phôi. Ngoài ra còn có lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, polyp tử cung, sẹo tử cung, bất thường hình dạng như tử cung một sừng. Vô sinh thứ phát do lạc nội mạc tử cung có thể xảy ra sau khi sinh mổ hoặc phẫu thuật tử cung, khi các tế bào phát triển nhầm chỗ.
Sẹo mổ lấy thai
Phụ nữ từng sinh mổ có thể bị sẹo ở tử cung, dẫn đến viêm, ảnh hưởng đến quá trình phôi làm tổ. Trường hợp này cần can thiệp phẫu thuật để xử lý sẹo và có thể thụ tinh trong ống nghiệm để có con.
Nhiễm trùng
Nhiễm trùng bao gồm cả nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, có thể gây bệnh viêm vùng chậu, dẫn đến sẹo và tắc nghẽn ống dẫn trứng. Nhiễm trùng do virus gây u nhú ở người (HPV) và các phương pháp điều trị có thể tác động đến chất nhầy cổ tử cung và giảm khả năng sinh sản. Nhiễm trùng được điều trị càng sớm thì càng ít ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Rối loạn tự miễn
Rối loạn tự miễn khiến cơ thể tấn công những mô khỏe mạnh và có thể liên quan đến mô sinh sản. Rối loạn tự miễn như bệnh Hashimoto, lupus và viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến khả năng sinh sản bằng cách gây viêm ở tử cung.
Tuổi tác
Khả năng sinh sản của phụ nữ đạt đỉnh ở tuổi 20, bắt đầu giảm ở tuổi 30 và giảm đáng kể khi 40. Điều này có nghĩa là người mẹ lớn tuổi vẫn có thể sinh thêm con, nhưng quá trình thụ thai mất nhiều thời gian hoặc khó khăn hơn.
Vô sinh không rõ nguyên nhân
Cũng giống vô sinh nguyên phát, đôi khi các bác sĩ không thể tìm ra nguyên nhân vô sinh thứ phát.
Để điều trị vô sinh, bác sĩ có thể xét nghiệm kiểm tra nồng độ hormone, khám vùng chậu, chụp X-quang ống dẫn trứng, siêu âm qua ngả âm đạo, các xét nghiệm khác để kiểm tra tử cung và cổ tử cung. Người chồng cũng cần xét nghiệm tinh dịch.
Người bệnh có thể là dùng thuốc điều chỉnh hormone hoặc thuốc kích thích rụng trứng nếu do PCOS. Một số trường hợp cần phẫu thuật để điều trị u xơ, sẹo hoặc lạc nội mạc tử cung tiến triển. Nếu không thể thụ thai tự nhiên, những phương pháp hỗ trợ sinh sản phổ biến là thụ tinh nhân tạo (IUI) và thụ tinh ống nghiệm (IVF).
Anh Ngọc (Theo Healthline)
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |