Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, khi thanh quản bị viêm, dây thanh âm dễ rơi vào trạng thái bị kích thích, gây tình trạng sưng ở dây thanh âm, làm biến dạng âm thanh khi không khí đi qua. Kết quả là giọng nói trở nên thay đổi, suy yếu. Trong một số trường hợp, người bị viêm thanh quản có thể rơi vào tình trạng mất giọng.
Viêm thanh quản có thể diễn ra trong thời gian ngắn (cấp tính) hoặc kéo dài (mạn tính). Hầu hết các trường hợp viêm thanh quản là do nhiễm virus tạm thời và không nghiêm trọng. Tuy nhiên, tình trạng khàn tiếng kéo dài đôi khi được xem là báo hiệu trạng bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng hơn.

Viêm thanh quản là tình trạng viêm của thanh quản do hoạt động quá mức, bị kích ứng hoặc nhiễm trùng. Ảnh: Shutterstock.
Nguyên nhân gây viêm thanh quản
Viêm thanh quản cấp tính
Viêm thanh quản cấp tính là vấn đề sức khỏe tạm thời. Nguyên nhân có thể do lạm dụng dây thanh quản hay do bị nhiễm trùng. Điều trị căn nguyên sẽ giúp thanh quản hết viêm. Viêm thanh quản cấp tính có thể do nhiễm virus, vi khuẩn; sau viêm đường hô hấp: viêm mũi xoang, viêm amidan, viêm VA ở trẻ em; sử dụng giọng gắng sức: nói nhiều, la hét, hát to; uống quá nhiều rượu bia.
Viêm thanh quản mạn tính
Viêm thanh quản mạn tính xảy ra do thanh quản tiếp xúc thời gian dài với các chất gây kích ứng. Tình trạng này thường ảnh hưởng diễn ra lâu hơn so với viêm thanh quản cấp tính.
Viêm thanh quản mạn tính có thể do những nguyên nhân như tiếp xúc thường xuyên với hóa chất độc hại hoặc chất gây dị ứng, trào ngược axit từ dạ dày, viêm mũi xoang thường xuyên, hút thuốc hoặc ở gần những người hút thuốc. Ngoài ra còn có lạm dụng giọng nói, bội nhiễm nấm do sử dụng thường xuyên thuốc hít điều trị hen suyễn, thay đổi hình dạng dây thanh do tuổi cao cũng có thể gây khàn tiếng dai dẳng.
Triệu chứng bệnh viêm thanh quản
Viêm thanh quản thường đến đột ngột và diễn biến nặng trong 5-7 ngày đầu. Các triệu chứng thông thường như giọng nói khàn khàn, nói hụt hơi, yếu giọng; thỉnh thoảng mất giọng; cơn ho khó chịu không biến mất; có nhu cầu hắng giọng thường xuyên; vướng họng, khó nuốt.
Ngoài ra, tình trạng viêm nắp thanh quản (viêm thanh thiệt) là tình trạng viêm sưng mô ở dưới đáy lưỡi cũng có thể xảy ra. Nắp thanh quản là phần mô bao phủ thanh quản và khí quản (ống thở), nằm ở dưới đáy lưỡi có nhiệm vụ bảo vệ đường thở khi nuốt. Khi bị viêm nắp thanh quản, mô sưng lên, gây hẹp đường thở, nguy cơ tử vong nếu không được điều trị.
Trẻ em cần đi khám ngay khi xuất hiện các biểu hiện như khó nuốt, nuốt đau; khó thở (cần phải nghiêng người về phía trước để thở); tiết nhiều nước bọt (chảy dãi), khi thở phát ra âm thanh khò khè hay tiếng rít, giọng nói như bị bóp nghẹt, xuất hiện tình trạng sốt. Viêm thanh quản cũng có thể liên quan đến nhiễm cúm. Do đó, các triệu chứng nhiễm siêu vi cũng có thể xuất hiện.

Không nên sử dụng thức ăn cay nóng để tránh làm trầm trọng thêm tình trạng viêm thanh quản. Ảnh: Shutterstock.
Phòng ngừa viêm thanh quản
Để ngăn ngừa tình trạng viêm thanh quản, bạn cần tuân theo những quy tắc phòng bệnh sau:
- Tránh hút thuốc và tránh xa khói thuốc
- Hạn chế rượu và cafein
- Uống nhiều nước, khoảng 2 lít nước mỗi ngày
- Tránh dùng thức ăn cay chua, tránh ăn khuya, để tránh trào ngược dạ dày thực quản
- Sử dụng thực phẩm lành mạnh: ăn nhiều trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt
- Tránh hắng giọng, hạn chế nói nhiều, nói to, nói liên tục, la hét
- Tránh nhiễm trùng đường hô hấp trên: rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc gần với những người đang bị nhiễm siêu vi.
Ngọc An