Lưỡi gà là phần mô thịt, hình giống giọt nước mắt, rủ xuống ở phía sau cổ họng. Nó là một phần của vòm miệng mềm, có vai trò tiết nước bọt để làm ẩm miệng và cổ họng, giúp đẩy thức ăn vào phía sau miệng. Viêm lưỡi gà gây khó chịu hoặc kích ứng họng. Nếu tình trạng sưng lưỡi gà nghiêm trọng hoặc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng nuốt, thở của người bệnh.
Viêm lưỡi gà có thể do nhiễm trùng, dị ứng hoặc chấn thương, trong đó nhiễm trùng do vi khuẩn và virus phổ biến hơn. Một số bệnh nhiễm trùng dễ dẫn đến viêm lưỡi gà bao gồm cảm lạnh thông thường, cúm, viêm họng liên cầu khuẩn, Covid-19. Một số nguyên nhân khác có thể gây ra tình trạng này bao gồm:
Bất thường cấu trúc cơ thể: Hở môi hoặc vòm miệng có thể khiến lưỡi gà bị sưng.
Dị ứng: Một số trường hợp dị ứng có thể gây sưng ở miệng và cổ họng, gọi là phù mạch lưỡi gà. Dị ứng có thể bao gồm dị ứng thực phẩm, côn trùng cắn, dị ứng thời tiết. Trường hợp dị ứng gây sưng lưỡi gà kèm khó thở, người bệnh nên đến bệnh viện kiểm tra để được xử lý kịp thời, tránh biến chứng.
Hút thuốc: Hút thuốc có thể kích ứng mô trong miệng và cổ họng, ảnh hưởng xấu đến lưỡi gà.
Chất gây ô nhiễm: Một số hóa chất trong không khí có thể kích ứng miệng và cổ họng, bao gồm hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, carbon monoxide và radon.
Chấn thương: Chấn thương hoặc thương tích có thể kích ứng và sưng ở phía sau miệng. Trào ngược axit hoặc do thủ thuật nội soi cũng có khả năng tác động gây sưng lưỡi gà.
Viêm lưỡi gà gây ngứa hoặc khó chịu, đỏ, sưng tấy, cảm giác nóng rát như có vật gì đó mắc kẹt ở cổ họng, khó nuốt. Người bệnh cũng có thể sưng amidan, khó thở, đau họng, ho sốt, trào ngược mũi...
Để điều trị bệnh, bác sĩ thường tập trung xác định nguyên nhân và kiểm soát triệu chứng do viêm. Người bệnh được kiểm tra, hỏi tiền sử bệnh, thực hiện xét nghiệm dịch họng hoặc xét nghiệm máu. Nếu nguyên nhân do virus, cảm lạnh nặng, cúm hoặc Covid-19, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc. Thuốc kháng sinh được dùng khi người bệnh có viêm lưỡi gà do phản ứng dị ứng nghiêm trọng.
Các biện pháp giảm viêm như súc miệng bằng nước muối ấm, uống nhiều chất lỏng, nghỉ ngơi đủ, uống trà nóng với mật ong, dùng viên ngậm chữa đau họng, tránh các chất gây dị ứng như phấn hoa, khói.
Anh Chi (Theo Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |