Suy thận là tình trạng chức năng lọc chất thải, chất thừa của hai quả thận suy giảm. Theo thời gian, các chất thải tích tụ trong cơ thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
BS.CKII Võ Thị Kim Thanh, Phó khoa Thận - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết suy thận có thể xảy ra với nhiều người, trong đó, hai nhóm người bệnh dưới đây có nguy cơ cao hơn.
Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây suy thận mạn. Bác sĩ Kim Thanh dẫn nghiên cứu cho thấy khoảng 40% người bệnh suy thận có tiền căn tiểu đường.
Mỗi quả thận chứa hàng triệu bộ lọc nhỏ (nephron) có chức năng chính là lọc chất thải, chất lỏng thừa từ máu ra ngoài cơ thể qua nước tiểu. Ở người bệnh tiểu đường (cả type 1 và type 2), nồng độ đường trong máu cao làm hỏng mạch máu nhỏ, xơ cứng và xơ hóa cầu thận do rối loạn chuyển hóa và huyết động.
Bệnh tiểu đường có biến chứng suy thận thường diễn tiến từ từ, biểu hiện bằng tình trạng xuất hiện albumin trong nước tiểu tiến triển chậm, có thể kèm huyết áp ngày càng cao.
Theo bác sĩ Kim Thanh, ở những năm đầu, chức năng thận vẫn bình thường, dễ khiến người bệnh chủ quan. Tuy nhiên, sau 5-10 năm, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, đúng phác đồ, chức năng thận giảm nhanh như "lao dốc không phanh". Khi phát hiện, bệnh suy thận đã ở giai đoạn muộn, điều trị khó khăn hơn và có thể phải lọc máu sớm hơn.
Bệnh cao huyết áp cũng là nguyên nhân dẫn đến suy thận cao thứ hai sau bệnh tiểu đường. Huyết áp cao khi huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương lần lượt là 140 mmHg và 90 mmHg trở lên. Tình trạng này có thể làm hỏng các mạch máu khiến thận không thể loại bỏ chất thải và chất lỏng thừa ra khỏi cơ thể, từ đó có thể làm huyết áp tăng nhiều hơn, tạo ra vòng xoắn bệnh lý rất nguy hiểm.
Theo bác sĩ Kim Thanh, bệnh thận mạn hay suy thận mạn không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Các biện pháp điều trị chỉ làm chậm quá trình diễn tiến bệnh hoặc cải thiện phần nào chức năng thận.
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh tiểu đường và cao huyết áp nên tầm soát bệnh thận định kỳ một lần mỗi năm nếu chưa xuất hiện dấu hiệu tiểu đạm, tiểu bọt. Người có các triệu chứng này cần tầm soát bệnh thận thường xuyên hơn, mỗi 1-3 tháng, để phát hiện và điều trị sớm và tốt hơn.
Bên cạnh đó, người bệnh cần duy trì chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh và sử dụng thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không dùng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, tránh làm bệnh nghiêm trọng hơn.
Ngoài hai nguyên nhân nêu trên, một số nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến bệnh suy thận với nguy cơ thấp hơn như bệnh cầu thận, viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C, sỏi thận, nang thận, bệnh tim mạch, thói quen hút thuốc, thừa cân béo phì, tuổi tác. Người thường xuyên dùng thuốc chứa thành phần gây tổn thương thận, có người thân tiền sử mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, suy thận cũng thuộc nhóm nguy cơ.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |