Protein niệu hay tiểu đạm là tình trạng mức protein trong nước tiểu trên 300 mg/24 giờ. BS.CKII Nguyễn Hữu Nhật, khoa Thận - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thận khỏe mạnh hấp thu protein nên trong nước tiểu bình thường không có hoặc có rất ít protein. Nồng độ đạm trong nước tiểu cao là một trong các dấu hiệu cảnh báo chức năng thận không còn hiệu quả, cần sớm điều trị. Dưới đây là các nguyên nhân dẫn đến tiểu đạm.
Viêm cầu thận: Chức năng của thận là lọc máu để loại bỏ các chất thừa, chất thải và bài tiết ra ngoài qua nước tiểu, đồng thời giữ lại protein, tế bào máu. Ở người bệnh suy thận mạn, thận hư, viêm cầu thận, bệnh cầu thận màng (tổn thương ở màng lọc cầu thận), chức năng lọc máu của thận suy giảm khiến lượng lớn protein rò rỉ vào nước tiểu, có thể trên 3,5 g/ngày.
Bệnh tiểu đường (đái tháo đường): Lượng đường trong máu cao khiến thận phải làm việc nhiều hơn bình thường, làm tổn thương các mạch máu ở thận, cụ thể là tổn thương màng nền khiến protein bị lẫn trong nước tiểu.
Huyết áp cao: Làm suy yếu, tổn thương các mạch máu ở thận, ảnh hưởng đến khả năng tái hấp thu protein của thận, làm rò rỉ protein vào nước tiểu. Theo thời gian, chức năng thận giảm dần. Huyết áp cao và tiểu đường là hai trong số các thủ phạm chính gây suy thận.
Cơ thể thiếu nước: Tình trạng này thể do nhiều nguyên nhân như không bổ sung đủ lượng nước cần thiết, tiêu chảy, sốt, đổ mồ hôi quá nhiều khi vận động nặng... Mất nước làm giảm quá trình lưu thông máu đến thận khiến tái hấp thu protein của thận không hiệu quả và đào thải ra ngoài qua nước tiểu. Đây là tình trạng protein niệu tạm thời, sẽ hết khi bổ sung đủ nước.
Tiêu thụ nhiều đạm: Mỗi ngày, một người trưởng thành chỉ nên nạp lượng đạm 0,8 g/kg trọng lượng cơ thể. Thói quen ăn quá nhiều đạm khiến thận làm việc quá tải, khả năng lọc máu không hiệu quả dẫn đến tiểu đạm, tăng nguy cơ suy thận, sỏi thận.
Một số bệnh tự miễn: Là tình trạng hệ miễn dịch sản sinh kháng thể tấn công chính các mô, cơ quan trong cơ thể. Kháng thể tấn công làm tổn thương cầu thận dẫn đến viêm cầu thận, giảm chức năng lọc của thận, gây ra tiểu đạm, nguy cơ suy thận nếu không điều trị kịp thời.
Một số bệnh tự miễn ảnh hưởng chức năng thận như lupus ban đỏ hệ thống (thường gây tổn thương da, khớp, thần kinh nhưng có thể tấn công thận), hội chứng Goodpasture (bệnh tự miễn gây tổn thương phổi và thận), xơ cứng bì (bệnh tự miễn thường xuất hiện ở da, có thể tổn thương thận, tim, mạch máu, phổi, dạ dày).
Các bệnh về máu, ung thư: Ung thư biểu mô tế bào thận, ung thư phổi, ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư gan, bệnh đa u tủy xương... có liên quan đến tình trạng tăng nồng độ protein trong nước tiểu.
Phụ nữ mang thai: Nếu nồng độ đạm trong nước tiểu vượt quá 300 mg/ngày được xem là tiểu đạm ở phụ nữ mang thai. Tiểu đạm được phát hiện trước 20 tuần tuổi thai là dấu hiệu bệnh thận, phát hiện sau 20 tuần là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ tiền sản giật (biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra ở ba tháng cuối thai kỳ).
Biểu hiện thường gặp nhất ở người bệnh tiểu đạm là trong nước tiểu có bọt hoặc sủi bọt. Ngoài ra, còn một số triệu chứng khác như sưng phù mặt, bụng, bàn chân, mắt cá chân; tăng số lần đi tiểu, mệt mỏi, hụt hơi, chán ăn, buồn nôn và nôn; chuột rút vào buổi tối. Tuy nhiên, các triệu chứng thường chỉ xuất hiện sau một thời gian mắc bệnh.
Theo bác sĩ Hữu Nhật, tiểu đạm cần được phát hiện và điều trị sớm. Người bệnh nên đến ngay bệnh viện để khám khi có triệu chứng, nhất là với người trên 65 tuổi, tiền sử bệnh thận, cao huyết áp, tiểu đường, người thân mắc bệnh thận... Khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng một lần giúp kịp thời phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn đầu, điều trị đạt hiệu quả tối đa.
Thắng Vũ