BS.CKII Đinh Cẩm Tú, Trưởng đơn vị thận nhân tạo, khoa Thận - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết lọc máu là biện pháp sử dụng máy móc hỗ trợ thận của người bệnh lọc chất thải, dịch thừa ra khỏi cơ thể khi thận không còn thực hiện được chức năng này. Hiện có hai phương pháp lọc máu cho người bệnh thận.
Chạy thận nhân tạo
Chạy thận nhân tạo được chỉ định cho người suy thận giai đoạn cuối (suy thận mạn giai đoạn 5), chức năng lọc của thận gần như mất hoàn toàn, độ lọc cầu thận (eGFR) dưới 15ml/phút/1,73 m2 da; suy thận cấp (thường do ngộ độc) diễn tiến nhanh đe dọa tính mạng; hoặc dư nước, tăng kali máu, tăng nồng độ axit trong máu mà điều trị bằng thuốc không hiệu quả.
Khi chạy thận nhân tạo, hai cây kim nhỏ được đặt vào mạch máu ở cánh tay người bệnh, gắn với hệ thống dây và kết nối với máy lọc máu. Một hệ thống bơm máu dẫn máu đi qua quả lọc thận để lấy đi chất thải (urê, creatinine), chất dư thừa (kali, chất lỏng), độc tố, giữ lại tế bào máu, protein và các chất cần thiết. Máu sau khi lọc được đưa trở lại cơ thể qua ống kim còn lại.
Phương pháp chạy thận nhân tạo truyền thống lâu dài có thể gây ra một số biến chứng như ngứa, mệt mỏi, sạm da, biến chứng tim mạch, thiếu máu, giảm huyết áp. Bác sĩ Tú cho biết hiện kỹ thuật lọc thận HDF online là "phiên bản nâng cấp" của chạy thận nhân tạo truyền thống. Nhờ sử dụng nguồn nước siêu tinh khiết và màng lọc hiệu quả cao, kỹ thuật này khắc phục được các nhược điểm trên.
Lọc màng bụng
Lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc) là phương pháp dùng chính màng bụng của người bệnh để thay thế chức năng thận đã suy yếu hoặc mất hoàn toàn. Trước điều trị, người bệnh được đặt một ống mềm vào bụng có nhiệm vụ dẫn dịch lọc vào trong bụng và chất thải, chất thừa ra khỏi cơ thể.
Trong khoang bụng, màng bụng ngăn cách khoang chứa dịch và khoang chứa mạch máu. Khi điều trị, dịch lọc theo ống dẫn đi vào trong khoang ổ bụng. Dịch lọc hấp thụ chất thải, chất lỏng thừa từ máu, thông qua màng bụng rồi đào thải khỏi cơ thể. Khoang ổ bụng có thể chứa hai lít dịch lọc màng bụng mà không làm người bệnh khó chịu.
Theo bác sĩ Tú, hiện có ba phương pháp lọc màng bụng gồm:
Lọc màng bụng cấp: Bác sĩ đặt một ống thông tạm thời vào khoang bụng người bệnh. Mỗi lần, hai lít dịch lọc được đưa vào khoang màng bụng của người bệnh. Sau hai giờ, dịch chất thải được bỏ đi và thay dịch lọc mới. Thực hiện liên tục quá trình này cho đến khi người bệnh hết rối loạn điện giải, nội môi cân bằng, chức năng thận phục hồi.
Phương pháp này được chỉ định cho người bệnh suy thận cấp tính hay những đợt tiến triển nặng của suy thận mạn, pH máu dưới 7,2, kali máu trên 6,5 mmol/l, urê máu trên 30 mmol/l, quá tải thể tích tuần hoàn đe dọa phù phổi cấp...
Lọc màng bụng liên tục ngoại trú: Bác sĩ phẫu thuật đặt ống thông vào vị trí đáy khoang bụng suốt thời gian thực hiện phương pháp này. Khi lọc màng bụng, dịch lọc luôn nằm trong khoang bụng người bệnh, được thay 4 lần mỗi ngày, mỗi lần cách nhau 4-8 tiếng. Thay dịch lọc có thể thực hiện bằng tay tại nhà.
Lọc màng bụng chu kỳ tự động: Quá trình lọc màng bụng được máy móc thực hiện theo các chu kỳ khác nhau, thường vào ban đêm, lúc người bệnh đang ngủ tại nhà hoặc tại bệnh viện.
Bác sĩ Tú cho biết ưu điểm của phương pháp lọc màng bụng là phù hợp cho mọi người bệnh, không phụ thuộc máy móc, hiệu quả tốt, bảo tồn chức năng thận, người bệnh ít ăn uống kiêng khem, có thể thực hiện tại nhà.
Thắng Vũ
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |