BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung như: nhiễm HPV (Human papilloma virus), nhiễm HIV và hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải, quan hệ tình dục sớm trước 18 tuổi, nhiều bạn tình, sinh nhiều con, uống thuốc tránh thai thời gian lâu dài, hút thuốc lá, viêm nhiễm sinh dục do Chlamydia... Trong đó, nhiễm HPV là nguyên nhân hàng đầu.
HPV có thể lây lan từ người sang người qua con đường quan hệ tình dục bằng ngả âm đạo, miệng, hậu môn hoặc lây qua da khi da tiếp xúc với nơi có virus khi cọ xát, sờ chạm...
Theo bác sĩ Mỹ Nhi, ngay cả khi chỉ quan hệ tình dục với một người hoặc khi không quan hệ tình dục, người phụ nữ vẫn có thể bị nhiễm HPV.
"Khoảng 80% phụ nữ nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời và một số có thể bị tái nhiễm HPV. Song không phải chủng virus HPV nào cũng có nguy cơ cao gây ung thư và không phải trường hợp nào nhiễm HPV thuộc chủng nguy cơ cao cũng đều bị mắc ung thư. Hầu hết các trường hợp nhiễm HPV có thể tự khỏi sau 8-12 tháng và thường không dẫn đến các vấn đề sức khỏe", bác sĩ Nhi nói rõ.
Trong hơn 140 chủng HPV, chủng 16 và 18 gây ra 70% trường hợp ung thư cổ tử cung, virus gây biến đổi tế bào trong lớp biểu mô của cổ tử cung, phát triển thành các tổn thương tiền ung thư, sau đó nhiều năm sẽ diễn tiến thành ung thư. Ngoài ra, hai chủng HPV này còn có thể gây ra ung thư hậu môn, âm hộ, âm đạo, dương vật, miệng, vòm họng. Trong khi đó HPV chủng 6 và 11 gây ra các tổn thương lành tính trên đường sinh dục như mụn cóc sinh dục, sùi mào gà...
Tiêm vaccine và tầm soát định kỳ giúp phòng ngừa cổ tử cung
Theo bác sĩ Mỹ Nhi, ở giai đoạn đầu, ung thư cổ tử cung thường không có triệu chứng rõ ràng, diễn tiến âm thầm, người bệnh thường khó phát hiện sớm để kịp thời điều trị. Ở giai đoạn muộn, người bệnh có thể có một hoặc nhiều triệu chứng như xuất huyết âm đạo bất thường tự nhiên hoặc sau giao hợp, khí hư âm đạo có mùi hôi, đau vùng kín, đau bụng dưới, đau lưng...
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ở những phụ nữ có hệ miễn dịch bình thường, ung thư cổ tử cung có thể phát triển trong khoảng từ 15-20 năm và từ 5-10 năm ở những phụ nữ suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV không được điều trị. Những đối tượng này có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao gấp 6 lần so với phụ nữ không bị nhiễm HIV.
"Ung thư cổ tử cung được phát hiện sớm có thể điều trị khỏi hoàn toàn, hơn 90% trường hợp người bệnh có thể sống khỏe mạnh trên 5 năm. Nếu bỏ qua 'giai đoạn vàng' điều trị (tức là ở giai đoạn tiền ung thư, ung thư tại chỗ), khi bệnh đã qua giai đoạn trễ hơn (có xâm lấn xung quanh và di căn xa) thì hiệu quả điều trị sẽ giảm dần. Do đó, chủ động tầm soát giúp giảm di chứng và tử vong do ung thư cổ tử cung gây ra", bác sĩ Mỹ Nhi nhấn mạnh.
Các phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung hiện nay bao gồm: xét nghiệm tế bào học cổ tử cung (Pap smear) và xét nghiệm tìm virus HPV. Nhiều tiến bộ trong các xét nghiệm tầm soát như Pap’s nhúng dịch, HPV hoặc phối hợp Pap’s và HPV (Cotesting)... giúp tìm kiếm những biến đổi tế bào bất thường nghi ngờ tại cổ tử cung và có nhiễm HPV không, chủng loại HPV nào... Tần suất thực hiện xét nghiệm tầm soát và lựa chọn loại xét nghiệm sẽ tùy thuộc độ tuổi, tiền sử bệnh, điều kiện của cơ sở y tế, tài chính của người phụ nữ...
Phụ nữ nên tầm soát ung thư cổ tử cung trong độ tuổi 21-29 tuổi bằng Pap test mỗi 3 năm hoặc sau khi có quan hệ tình dục lần đầu 3 năm. Người ở độ tuổi 30-65 tuổi có thể lựa chọn Pap test phối hợp HPV mỗi 5 năm hoặc nếu không có điều kiện có thể làm Pap test mỗi 3 năm.
Không giống như nhiều căn bệnh ung thư khác, hiện nay, ung thư cổ tử cung có thể phòng ngừa bằng việc tiêm vaccine. Vaccine phòng ung thư cổ tử cung đã được sử dụng phổ biến trên thế giới. Vaccine sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn khi chủng ngừa trước khi quan hệ tình dục. Nữ giới có thể tiêm vaccine này từ 9-26 tuổi, với 3 mũi trong vòng 6 tháng.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), tiêm vaccine phòng HPV có thể ngăn ngừa hơn 90% các trường hợp ung thư cổ tử cung do HPV gây ra, cũng như các bệnh ung thư hậu môn, âm đạo và âm hộ... Tuy nhiên, bác sĩ Mỹ Nhi khuyến cáo, ngay cả phụ nữ đã được tiêm phòng vẫn nên tầm soát ung thư cổ tử cung thường xuyên bắt đầu từ 21 tuổi vì dù đã tiêm vaccine HPV, người phụ nữ đó vẫn có nguy cơ nhiễm virus này.
Theo WHO, hiệu quả của tiêm vaccine HPV đạt mức cao nhất khi tiêm cho trẻ 9-15 tuổi. Mục tiêu WHO đặt ra đến năm 2030 là có ít nhất 90% bé gái được tiêm đầy đủ vaccine ngừa ung thư cổ tử cung trước 15 tuổi, 70% phụ nữ được xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung vào hai thời điểm trước 35 tuổi và 45 tuổi, tối thiểu 90% phụ nữ mắc bệnh được điều trị.
Để phòng ngừa ung thư cổ tử cung, các chuyên gia khuyến cáo nam, nữ nên quan hệ tình dục an toàn, tiêm vaccine dự phòng và cần khám sức khỏe phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng.
Ngọc An