Đau tinh hoàn là tình trạng đau nhức xảy ra ở một phần hoặc cả hai tinh hoàn, có thể khởi phát đột ngột hay kéo dài tùy theo từng trường hợp. Cơn đau có thể là cấp tính với đặc trưng là xuất hiện đột ngột và dữ dội; hoặc mạn tính với mức độ đau tăng dần và kéo dài.
Bác sĩ Phạm Quang Trung, khoa Nam học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, thông thường đau tinh hoàn sẽ xuất phát từ những chấn thương, gây đau dữ dội vì vị trí này hội tụ nhiều dây thần kinh nhạy cảm. Tuy nhiên, cơn đau cũng có thể bắt nguồn từ những bộ phận khác trên cơ thể như bẹn bìu, thận, niệu quản...
Một số bệnh lý có thể dẫn đến đau tinh hoàn như:
Viêm tinh hoàn xảy ra do nhiễm khuẩn hoặc virus. Đây là một trong những nguyên nhân gây đau do bệnh lý phổ biến nhất. Tình trạng này còn có các triệu chứng như sưng, nóng, đỏ, ở một hoặc cả hai tinh hoàn.
Viêm mào tinh hoàn: Mào tinh hoàn là một nhóm ống mỏng cuộn tròn, thực hiện nhiệm vụ mang tinh trùng từ tinh hoàn đến ống dẫn tinh và phóng ra ngoài cơ thể. Khi xảy ra tình trạng viêm tại cơ quan này, nam giới sẽ có cảm giác đau, bìu sưng nóng khi chạm vào, mào tinh viêm to và cứng. Các triệu chứng thường kéo dài vài ngày đến vài tuần, trường hợp mạn tính sẽ hơn 6 tuần.
Tràn dịch màng tinh hoàn xuất hiện khi dịch tích tụ xung quanh tinh hoàn, đôi khi gây đau và nhiễm trùng.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng một nhóm các tĩnh mạch lớn gần tinh hoàn xuất hiện bất thường. Điều này gây cảm giác khó chịu âm ỉ, cản trở rất lớn đến hoạt động hàng ngày. Trong nhiều trường hợp, giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và phải điều trị bằng phẫu thuật. Cơn đau có xu hướng thuyên giảm khi nằm xuống.
Xoắn tinh hoàn là hiện tượng xoắn đường cung cấp máu cho tinh hoàn, gây ra những cơn đau dữ dội. Đây là tình trạng khẩn cấp, cần được phẫu thuật ngay lập tức để ngăn ngừa nguy cơ hoại tử tinh hoàn.
Sỏi thận mắc kẹt trong niệu quản sẽ gây đau lưng, cơn đau lan xuống bộ phận sinh dục ngoài hoặc hố chậu. Tùy vào kích thước, viên sỏi sẽ tự trôi ra ngoài hoặc phải can thiệp phẫu thuật.
Nhiễm trùng đường tiết niệu: Khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu, bao gồm niệu đạo, bàng quang và thận, có thể dẫn đến nhiễm trùng đường sinh dục. Một trong những triệu chứng thường đặc trưng của tình trạng này là đau tinh hoàn kèm theo tiểu buốt, tiểu dắt, tiểu máu. Tùy theo mức độ nhiễm trùng mà bệnh có thể tự khỏi hoặc cần dùng kháng sinh.
Ung thư tinh hoàn xuất hiện phổ biến nhất ở nam giới trong độ tuổi từ 15 – 35. Đôi khi, triệu chứng gặp phải là cảm giác đau âm ỉ ở bẹn bìu, tinh hoàn, sưng tinh hoàn, đau vùng bụng dưới,... Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định thêm những xét nghiệm chuyên sâu như chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm tế bào để đưa ra kết luận chính xác nhất.
Hội chứng đau sau khi thắt ống dẫn tinh: Sau khi thắt ống dẫn tinh, áp lực trong ống dẫn tinh hoặc mào tinh tăng lên, có thể gây đau tinh hoàn.
Khối tụ máu thường là kết quả của chấn thương. Lúc này, máu bao quanh tinh hoàn và gây đau.
Bác sĩ Trung khuyến cáo, đau tinh hoàn có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có nguy cơ gây ra những tổn thương vĩnh viễn, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hoặc thậm chí là tử vong do nhiễm trùng phát triển. Vì vậy, nam giới cần liên hệ với bác sĩ để được chăm sóc y tế ngay lập tức nếu xuất hiện các triệu chứng như tinh hoàn bị đau đột ngột, dữ dội; đau kèm theo buồn nôn, sốt, ớn lạnh hoặc tiểu ra máu; tinh hoàn bị đau nhẹ nhưng kéo dài vài ngày; xuất hiện khối u hoặc dấu hiệu sưng tấy.
Phi Hồng