Đau tinh hoàn là tình trạng đau nhức xảy ra ở một phần hoặc một hoặc cả hai tinh hoàn, có thể khởi phát đột ngột hay kéo dài tùy từng trường hợp. Cơn đau có thể là cấp tính (xuất hiện đột ngột và không kéo dài) hoặc mãn tính (từ từ và kéo dài). Đa phần các trường hợp đều xuất phát từ chấn thương bất ngờ, gây đau dữ dội bởi vị trí hội tụ nhiều dây thần kinh nhạy cảm.
Đối với tình trạng xoắn tinh hoàn, ngoài cảm giác đau dữ dội còn có thể xuất hiện thêm biểu hiện nôn hoặc buồn nôn, không sốt. Người bệnh nên cấp cứu ngay tại bệnh viện để tránh để lại di chứng như hoại tử tinh hoàn, mất tinh hoàn, nhiễm khuẩn, vô sinh thứ phát do mất tinh hoàn, biến dạng tinh hoàn. Thời gian cứu tốt nhất là trong vòng 4-6 giờ.
Tuy nhiên, cơn đau cũng có thể bắt nguồn từ những yếu tố khác, thậm chí không hoàn toàn đến từ tinh hoàn mà là một bộ phận khác trên cơ thể như bẹn bìu, vùng bìu, thận, niệu quản; được gọi là đau chuyển tiếp. Trẻ trai và nam giới mọi lứa tuổi đều có thể bị đau tinh hoàn nhưng nguy cơ thường rơi vào nhóm làm việc nặng hay chơi các môn thể thao dễ gây chấn thương ở tinh hoàn.
Bác sĩ Phạm Quang Trung, Khoa Nam học Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh, để khắc phục tình trạng đau tinh hoàn, bác sĩ chuyên khoa Nam học sẽ xem xét mức độ nghiêm trọng và chỉ định phương pháp điều trị đau tinh hoàn phù hợp.
Để điều trị tại nhà, nam giới thực hiện chườm đá vào vị trí đau, đặt một chiếc khăn cuộn dưới bìu khi nằm hoặc tắm nước ấm để giảm đau. Lưu ý, thực hiện vài lần trong ngày, mỗi lần không quá 15 phút để đạt được hiệu quả tích cực.
Nếu điều trị tại nhà không mang lại hiệu quả, nam giới có thể được chỉ định dùng thuốc, bao gồm thuốc giảm đau như acetaminophen, thuốc chống viêm không steroid (NSAID)... thường được kê đơn khi đau do chấn thương hoặc viêm tinh hoàn; thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống nhiễm trùng; thuốc chống trầm cảm ba vòng như amitriptyline.
Đối với trường hợp đau tinh hoàn do mắc phải những vấn đề nghiêm trọng dưới đây, bác sĩ sẽ xem xét giải pháp phẫu thuật. Cụ thể:
Xoắn tinh hoàn: Bác sĩ sẽ tiến hành tháo xoắn thừng tinh và khôi phục lưu lượng máu đến tinh hoàn. Tiếp theo, bác sĩ sẽ khâu các mũi xung quanh để tránh tình trạng tổn thương lặp lại, kể cả bên đối diện.
Sửa chữa thoát vị: Thực hiện trong trường hợp khối thoát vị không thể đẩy trở lại vào ổ bụng hoặc thu nhỏ kích thước.
Cắt bỏ mào tinh hoàn: biện pháp được áp dụng nếu tinh hoàn có biểu hiện đau mãn tính mà không đáp ứng với thuốc điều trị.
Nối lại ống dẫn tinh: Được chỉ định trong trường hợp nam giới đau tinh hoàn do bị thắt ống dẫn tinh. Tuy nhiên, phẫu thuật này thường thực hiện như phẫu thuật ngoại trú.
Tán sỏi bằng sóng xung kích: Đây là thủ thuật xâm lấn tối thiểu sử dụng sóng xung kích để phá vỡ sỏi thận.
Phương pháp MDSC: Sau gây mê, bác sĩ sẽ sử dụng kính hiển vi phẫu thuật để mổ và cắt các dây thần kinh đi qua thừng tinh, nhằm chữa khỏi hoặc giảm tình trạng đau tinh hoàn.
Cắt bỏ tinh hoàn: Đây là phương pháp cuối cùng nhưng hiếm khi xảy ra, được thực hiện khi cơn đau không thể điều trị hiệu quả bằng thuốc hoặc các thủ thuật ít xâm lấn khác.
Sau phẫu thuật, người bệnh cần chăm sóc vết thương đúng cách và kỹ lưỡng để ngăn ngừa nhiễm trùng. Người bệnh nên trao đổi kỹ với bác sĩ để được hướng dẫn chi tiết. Ngoài ra, người bệnh cũng cần tái khám định kỳ để được theo dõi và kiểm tra thường xuyên.
Bác sĩ Phạm Quang Trung lưu ý, không phải tất cả các trường hợp đau tinh hoàn đều có thể ngăn ngừa. Tuy nhiên, việc thay đổi lối sống lành mạnh có thể ngăn chặn được một số nguyên nhân cơ bản gây tổn thương.
Theo đó, nam giới nên chú ý mặc đồ bảo hộ thể thao để tránh gây chấn thương tinh hoàn khi chơi thể thao; quan hệ tình dục an toàn, đặc biệt là cần sử dụng bao cao su trong khi giao hợp; kiểm tra tinh hoàn mỗi tháng một lần để phát hiện sớm những thay đổi bất thường hoặc sự xuất hiện của khối u; làm rỗng bàng quang hoàn toàn khi đi tiểu để ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu; thăm khám kịp thời ngay khi xuất hiện triệu chứng đau nhức ở tinh hoàn; xây dựng thực đơn hằng ngày với những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe (ớt chuông, cà rốt, khoai lang, cá mòi, tôm, tỏi, hành tây...).
Hoàng Trang