Mũi, họng và xoang liên tục tiết ra chất nhầy giúp đường thở không bị khô và bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn, phấn hoa và các chất ô nhiễm khác trong không khí. Chất nhầy thường trộn lẫn với nước bọt và thường vô hại. Tuy nhiên, nếu cơ thể tiết ra quá nhiều hoặc quá đặc, chất nhầy chảy xuống phía sau cổ họng gây ra chứng chảy dịch mũi sau.
Bệnh có thể gây ra các triệu chứng như buồn nôn, hôi miệng, ngứa ở cổ họng; chất nhầy chứa các phân tử của hệ thống miễn dịch gây kích ứng các mô và đau họng, ho, khàn giọng. Nó cũng khiến bạn phải thường xuyên hắng giọng, nuốt hoặc phải khạc chất nhầy, khó chịu. Chảy dịch mũi sau thường gây ho nặng vào ban đêm, nhất khi nằm. Lượng lớn chất nhầy dư thừa có thể dẫn đến tắc nghẽn vòi nhĩ, nhiễm trùng tai và đau đớn.
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây nên chảy dịch mũi sau là dị ứng. Trong đó, dị ứng phấn hoa thường thấy hơn, làm chảy nước mũi sau khi cơ thể tiết thêm chất nhờn để cố gắng loại bỏ các bào tử phấn hoa.
Thời tiết lạnh hoặc không khí khô có thể gây nên tình trạng này. Hít thở không khí lạnh và khô gây kích ứng mũi và họng, cơ thể sẽ tạo ra chất nhầy để làm ẩm và ấm mũi họng, giảm bớt sự kích ứng là nguyên nhân khiến chảy nước mũi sau. Thời tiết lạnh cũng có mối liên hệ với bệnh nhiễm virus như cúm, nhiễm trùng xoang và cảm lạnh. Những bệnh này gây ra nhiều triệu chứng gồm chảy dịch mũi sau. Ngoài ra, cơ thể phản ứng với vi khuẩn xâm nhập bằng cách tạo ra nhiều chất nhờn hơn để tống chúng ra ngoài.
Viêm mũi thai kỳ làm một số người bị chứng chảy dịch mũi sau. Sự gia tăng lượng máu và biến động hormone trong khi mang thai góp phần làm tăng sản xuất chất nhầy tống ra ngoài qua đường mũi. Chất nhầy dư thừa làm tắc các xoang và thoát xuống cổ họng, gây chảy dịch mũi sau và các triệu chứng kèm theo.
Vách ngăn lệch (vách ngăn giữa hai lỗ mũi bị vẹo hoặc hư hỏng) khiến cơ thể khó thoát chất nhầy làm chảy dịch mũi sau. Các adenoid lớn hoặc viêm adenoid mạn tính, ảnh hưởng đến một số tuyến trong cổ họng cũng gây ra tình trạng này.
Một số nguyên nhân khác cũng khiến bạn bị chảy dịch mũi sau như thức ăn quá cay, hóa chất gây kích ứng từ nước hoa, nước tẩy rửa, khói bụi, thuốc (thuốc tránh thai, huyết áp). Mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh trào ngược dạ dày, polyp mũi cũng là tác nhân gây ra tình trạng này.
Điều trị và phòng ngừa
Mọi người có thể điều trị bằng thuốc không kê đơn hoặc các biện pháp tại nhà để giảm bớt tình trạng chảy nước mũi sau.
Thuốc thông mũi: Làm khô chất nhờn bằng thuốc thông mũi là cách ngăn dịch chảy sau mũi. Tuy nhiên thuốc này có thể gây tác dụng phụ như chóng mặt, lo lắng.
Thuốc kháng histamine: Sử dụng thuốc này giúp điều trị chảy dịch mũi sau, nhất là do viêm mũi dị ứng. Một số thuốc kháng histamine có tác dụng an thần gây buồn ngủ, mệt mỏi, mọi người cần tránh uống ban ngày hoặc khi lái xe để không ảnh hưởng đến công việc.
Thuốc xịt mũi: Xịt nước muối hoặc dùng thuốc xịt mũi để loại bỏ chất nhầy tích tụ, giúp thông đường thở bị tắc và giảm lượng chất nhầy chảy sau mũi.
Làm loãng chất nhầy: Những loại thuốc không kê đơn có thể làm loãng dịch nhầy. Sử dụng máy tạo độ ẩm hay máy xông hơi ướt để tăng độ ẩm không khí trong phòng (nhà) có thể làm loãng dịch mũi và thoát xuống hoặc xì ra dễ dàng hơn. Phương pháp này rất có tác dụng trong trường hợp xoang bị tắc.
Các biện pháp khắc phục tại nhà: Gối đầu cao khi ngủ thúc đẩy quá trình thoát nước, giảm lượng chất nhầy chảy xuống cổ họng. Uống nhiều nước làm loãng chất nhầy, làm chúng trôi xuống dễ hơn, sạch xoang và dịu cổ họng, ngăn mất nước do chảy dịch mũi sau.
Người bệnh cần tránh khói thuốc lá gây kích ứng đường mũi, đường thở và tích tụ chất nhầy và tránh các chất gây dị ứng hoặc các tác nhân khác. Chảy dịch mũi sau thường không nghiêm trọng nhưng khi dùng các biện pháp khắc phục tại nhà hay thuốc không kê đơn mà các triệu chứng kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống, mọi người nên đi khám. Thông thường, bệnh sẽ tự khỏi, tuy nhiên khi xuất hiện các biến chứng như chất nhầy đổi màu không rõ ràng, có mùi hôi, kèm sốt hoặc các triệu chứng kéo dài hơn 10 ngày bạn cần đến bệnh viện điều trị.
Mai Cát
(Theo Medical News Today)