ThS.BS.CKI Nguyễn Văn Nghĩa, Đơn vị Tiết niệu, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết tình trạng tiểu lắt nhắt, lượng nước tiểu ít, tiểu xong muốn đi tiểu tiếp thường là triệu chứng của một số vấn đề sức khỏe liên quan đến hệ tiết niệu, nhưng cũng có thể do bệnh nội tiết, thần kinh hay thói quen sinh hoạt.
Bàng quang tăng hoạt: Tình trạng co bóp không đúng lúc của bàng quang ngay cả khi không chứa nhiều nước tiểu gây cảm giác muốn đi tiểu thường xuyên, tiểu gấp không kiểm soát.
Viêm bàng quang kẽ: Bệnh tiết niệu này không do vi khuẩn gây ra. Người bệnh bị đau ở vùng chậu, trên xương mu hoặc đau bụng do tổn thương bàng quang gây nên, đồng thời xuất hiện những triệu chứng châm chích hoặc nóng rát khi đi tiểu, tiểu rắt, tiểu gấp. Đây là những triệu chứng lâm sàng mạn tính, người bệnh có thể kiểm soát và cải thiện được, tuy nhiên vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm.
Sa bàng quang: Khi hệ cơ và dây chằng vùng chậu suy yếu, các cơ quan nội tạng vùng chậu, trong đó có bàng quang, sa xuống, thậm chí lộ hẳn ra khỏi âm đạo. Sa bàng quang gây ra triệu chứng rối loạn tiểu như tiểu nhiều lần, không tự chủ, tiểu lắt nhắt, cảm giác tiểu không hết, tiểu khó, bí tiểu.
Phì đại lành tính tuyến tiền liệt: Thể tích tuyến tiền liệt tăng chèn ép lên bàng quang làm giảm thể tích bàng quang, khiến người bệnh bị tiểu gấp, tiểu nhiều lần, tiểu lắt nhắt, tiểu xong muốn đi tiếp, tiểu đêm, thậm chí bí tiểu khi niệu đạo và cổ bàng quang bị bịt kín.
Hẹp niệu đạo: Tình trạng niệu đạo xuất hiện sẹo xơ làm thu hẹp kích thước khiến người bệnh có cảm giác tiểu khó, tiểu không hết muốn đi tiểu lại ngay khi vừa đi vệ sinh hoặc tiểu thường xuyên, tiểu gấp. Nam giới dễ bị hẹp niệu đạo hơn nữ giới do niệu đạo dài hơn, dễ gặp tổn thương gây hẹp hơn.
Đái tháo đường: Ở người bệnh đái tháo đường (tiểu đường) type 1 và type 2, thận không thể hấp thụ hết lượng glucose dư thừa trong máu, phải tăng sản xuất nước tiểu để đào thải glucose ra ngoài, dẫn đến đi tiểu thường xuyên hơn. Người bệnh có hiện tượng khát nước, tăng lượng nước uống cũng đi tiểu lắt nhắt nhiều lần.
Mang thai: Thai nhi phát triển lớn chèn ép vào bàng quang, giảm sức chứa của bàng quang. Lúc này phụ nữ mang thai có nhu cầu đi tiểu nhiều lần và thường xuyên hơn.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới: Vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập, gây viêm nhiễm, kích thích niệu đạo và bàng quang dẫn đến triệu chứng tiểu nhiều lần, tiểu lắt nhắt. Nhiễm khuẩn thường xảy ra nữ giới hơn nam giới do niệu đạo nữ ngắn hơn nam.
Thuốc, đồ uống lợi tiểu: Uống thường xuyên cà phê, trà, rượu bia, nước ngọt có gas hay các loại thuốc có tính lợi tiểu kích thích thận tăng sản xuất nước tiểu, đi tiểu nhiều lần, lắt nhắt.
Uống quá nhiều nước: Một người uống đủ hai lít nước mỗi ngày thì lượng nước tiểu trung bình mỗi ngày dao động 800-2000 ml. Uống quá nhiều nước (nhưng không hoạt động thể chất hay ở trong điều kiện gây mất nước nhiều như thời tiết nóng bức) hoặc uống quá nhiều nước trong một lần, khiến thận phải tăng cường hoạt động để đào thải lượng nước này ra khỏi cơ thể.
Bác sĩ Nghĩa khuyến cáo người gặp tình trạng trên nên đến bệnh viện khám, xác định chính xác nguyên nhân để có hướng điều trị và điều chỉnh thói quen sinh hoạt phù hợp. Để phòng tránh tình trạng tiểu lắt nhắt nhiều lần, bác sĩ Nghĩa khuyên mọi người hạn chế uống nhiều nước trong một lần và vào buổi tối trước khi đi ngủ, cắt giảm sử dụng đồ uống có tính lợi tiểu và thực phẩm có vị chua, cay vì gây kích thích bàng quang.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |