Bệnh lậu là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) phổ biến, do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể qua dương vật, âm đạo, miệng hoặc hậu môn, thậm chí đồ chơi tình dục dùng chung.
Bệnh lậu có thể chữa khỏi khi được điều trị thích hợp. Song nhiều người không biết mình mắc bệnh lậu do không có triệu chứng, trở thành nguồn lây nhiễm âm thầm, nguy hiểm. Thời gian ủ bệnh được tính từ khi người bệnh tiếp xúc với vi khuẩn lậu cho tới khi xuất hiện các triệu chứng, thường 3-5 ngày, có thể khoảng 1-14 ngày. Nữ giới nhiễm lậu thường không có triệu chứng rõ ràng nên có thể không được phát hiện và điều trị kịp thời, dẫn đến biến chứng hoặc dễ lây lan cho người khác.
Nếu có các triệu chứng thường bao gồm đau khi tiểu, tiết dịch niệu đạo, chảy máu hoặc dịch trực tràng, đau trực tràng, tiết dịch âm đạo, đau vùng chậu. Cơ thể không thể tự loại bỏ vi khuẩn lậu và các triệu chứng sẽ dai dẳng cho đến khi bệnh được điều trị.
Xét nghiệm bệnh lậu cần thực hiện vào thời gian thích hợp mới có kết quả chính xác. Người có nguy cơ nhiễm lậu nên xét nghiệm khoảng một tuần sau khi nghi ngờ tiếp xúc vi khuẩn. Điều này là do nồng độ N. gonorrhoeae còn khá thấp ở một số bộ phận của cơ thể (như cổ họng) và cao hơn ở những bộ phận khác (như niệu đạo). Nồng độ vi khuẩn cũng có thể thấp ở người có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Xét nghiệm sớm có thể dẫn đến kết quả âm tính giả. Bạn tình của người bệnh lậu cũng cần được xét nghiệm và điều trị bệnh nếu có.
Bệnh lậu thường đi kèm với các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) như chlamydia. Do đó, người bệnh có thể xét nghiệm thêm các bệnh STI khác và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Ở hầu hết bệnh nhân, các triệu chứng giảm trong vòng một tuần sau khi bắt đầu điều trị, nhưng có trường hợp lâu hơn. Một số triệu chứng bệnh kéo dài chẳng hạn đau vùng chậu hoặc đau tinh hoàn có thể cần hai tuần mới hết. Các triệu chứng lậu ở nam giới thường nhanh hết hơn nữ giới.
Tuy nhiên, người bệnh mắc bệnh lậu không có miễn dịch bảo vệ, tức cơ thể không tạo ra kháng thể nên hoàn toàn có thể tái nhiễm. Do đó, người có kết quả dương tính với lậu nên xét nghiệm lại sau ba tháng điều trị để đảm bảo tình trạng nhiễm trùng đã khỏi hoặc kịp thời phát hiện tình trạng tái nhiễm. Trước, trong và 7 ngày sau khi kết thúc điều trị, người bệnh cần tránh quan hệ để giảm nguy cơ lây truyền cho người khác hoặc nhiễm bệnh trở lại.
Nhiễm trùng lậu ở họng khó điều trị hơn. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC) Mỹ khuyến cáo bất kỳ ai nhiễm lậu ở họng hoặc miệng nên tái xét nghiệm để theo dõi trong 7-14 ngày sau lần điều trị đầu tiên.
Một trong những biến chứng đáng lo ngại nhất của bệnh lậu là tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Kháng thuốc kháng sinh xảy ra khi người đang điều trị lậu không hoàn thành liệu trình thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Do đó, các đột biến ngẫu nhiên của N. gonorrhoeae vẫn tồn tại thay vì bị tiêu diệt, một số trong đó kháng thuốc kháng sinh.
Những vi khuẩn này được truyền từ người này sang người khác trở nên kháng thuốc hơn khi tiếp tục đột biến được gọi là "siêu vi khuẩn lậu". Lúc này, bác sĩ cần thay đổi hoặc phối hợp nhiều loại kháng sinh khác nhau mới tiêu diệt được vi khuẩn. Người mắc lậu không được điều trị hoặc không đáp ứng hoàn toàn với thuốc đối mặt với nhiều biến chứng nghiêm trọng như bệnh viêm vùng chậu, vô sinh, hình thành mô sẹo, viêm mào tinh hoàn, đau vùng chậu và bụng, nhiễm trùng máu hoặc khớp.
CDC khuyến cáo để phòng ngừa lây nhiễm lậu cũng như STI khác, mọi người nên quan hệ chung thủy, hạn chế số lượng bạn tình, sử dụng các biện pháp bảo vệ như dùng bao cao su. Tiêm vaccine có thể phòng ngừa một số bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như viêm gan B và virus u nhú ở người (HPV).
Người được chẩn đoán mắc lậu cần tuân thủ dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, ngay cả khi các triệu chứng cải thiện và cảm thấy khỏe hơn để tránh tình trạng kháng kháng sinh. Không tự ý dùng đơn thuốc của người khác để điều trị bệnh.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)
Độc giả gửi câu hỏi bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |