Lậu là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) do vi khuẩn N. gonorrhoeae gây ra, nhưng thường không được chẩn đoán và điều trị do không có hoặc rất ít triệu chứng. Người bệnh có thể vô tình lây truyền cho người khác trong khi quan hệ tình dục bằng miệng, âm đạo hoặc hậu môn. Nếu không được điều trị, bệnh lậu có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng khả năng sinh sản, có thể gây nhiễm trùng huyết.
Vô sinh nữ: Bệnh lậu là nguyên nhân thường gặp dẫn đến viêm vùng chậu (PID) do nhiễm trùng lây lan vào tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng. PID có thể làm hẹp hoặc tắc ống dẫn trứng, ngăn không cho tinh trùng gặp trứng để thụ tinh.
Biến chứng thai kỳ: Viêm vùng chậu do bệnh lậu làm tăng nguy cơ sinh non và trẻ nhẹ cân. Thai phụ mắc bệnh này cũng có nguy cơ sảy thai và thai chết lưu nếu nhiễm trùng cấp tính xảy ra.
Thai ngoài tử cung: PID làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung. Đây là biến chứng nguy hiểm với thai phụ, do trứng đã thụ tinh làm tổ bên ngoài tử cung, làm tăng nguy cơ vỡ và xuất huyết khi thai nhi phát triển.
Vô sinh nam: Bệnh lậu có thể gây viêm mào tinh hoàn (viêm các ống xoắn tiếp nhận tế bào tinh trùng từ tinh hoàn). Nếu không được điều trị, viêm mào tinh hoàn có thể gây tổn thương vĩnh viễn, làm giảm khả năng sinh sản hoặc vô sinh.
Viêm khớp vô khuẩn: Vi khuẩn lậu lây lan vào máu có thể gây viêm toàn thân dẫn đến cứng khớp, đau và sưng. Tình trạng này được gọi là viêm khớp vô khuẩn, cũng có thể đi kèm các vết loét trên da và sốt.
Nhiễm trùng huyết: Vi khuẩn lậu thâm nhập vào máu cũng có thể gây ra phản ứng miễn dịch gọi là nhiễm trùng huyết, đặc trưng bởi huyết áp giảm mạnh, dẫn đến sốc và tử vong. Phụ nữ trẻ mắc bệnh lậu là nhóm thường bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Tăng nguy cơ nhiễm HIV: Người mắc bệnh lậu có thể bị tổn thương niêm mạc ở hậu môn và bộ phận sinh dục, và dễ nhiễm HIV. Nhiễm trùng cũng thu hút các tế bào miễn dịch là tế bào T CD4 mà HIV nhắm đến để lây nhiễm.
Kháng kháng sinh: Một trong những biến chứng đáng lo ngại nhất của bệnh lậu là tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Kháng thuốc kháng sinh xảy ra khi người đang điều trị bệnh lậu không hoàn thành liệu trình thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Do đó, các đột biến ngẫu nhiên của N. gonorrhoeae vẫn tồn tại thay vì bị tiêu diệt, một số trong đó kháng thuốc kháng sinh. Những vi khuẩn này được truyền từ người này sang người khác trở nên kháng thuốc hơn khi tiếp tục đột biến.
CDC khuyến cáo xét nghiệm khi có triệu chứng bệnh lậu hoặc đã quan hệ tình dục với người nghi ngờ mắc lậu. CDC cũng khuyến cáo sàng lọc bệnh lậu hàng năm với nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có hoạt động tình dục, có bạn tình mới hoặc nhiều bạn tình; phụ nữ mang thai, người có quan hệ đồng tính nam, người chuyển giới, người nhiễm HIV.
Người có nguy cơ nhiễm lậu nên xét nghiệm khoảng một tuần sau khi nghi ngờ tiếp xúc vi khuẩn. Điều này là do nồng độ N. gonorrhoeae còn khá thấp ở một số bộ phận của cơ thể (như cổ họng) và cao hơn ở những bộ phận khác (như niệu đạo). Nồng độ vi khuẩn cũng có thể thấp ở người có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Xét nghiệm sớm có thể dẫn đến kết quả âm tính giả.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)
Độc giả gửi câu hỏi bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |