Ngày 30/10, ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, cho biết thông tin trên, giải thích thêm khi nhiệt độ thay đổi đột ngột từ nóng chuyển sang lạnh và từ nắng chuyển sang mưa trong một ngày như thời tiết miền Nam hiện tại, cơ thể cần thời gian thích nghi. Quá trình này có thể khiến hệ miễn dịch suy yếu. Đường hô hấp trên có chức năng hít không khí từ bên ngoài cơ thể, làm ấm, làm ẩm và lọc khí trước khi đưa vào phổi nên các tác nhân gây bệnh dễ tấn công "hàng rào bảo vệ" này và gây viêm.
Vào mùa mưa, độ ẩm thấp, người có tiền sử bệnh hô hấp mạn tính như viêm xoang, viêm phế quản dễ tái phát, vi khuẩn và virus sinh sôi tác động đến niêm mạc mũi gây tổn thương, viêm, phù nề. Thay đổi về áp suất không khí và phấn hoa sau mưa cũng ảnh hưởng đến chứng đau do viêm xoang. Ở những không gian kín như văn phòng, trường học, nguy cơ lây nhiễm cao do mọi người tiếp xúc, ho, hắt hơi, chạm vào bề mặt có vi khuẩn, virus.
Hệ thống giám sát ca bệnh viêm hô hấp của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM ghi nhận trung bình mỗi tuần thành phố có khoảng 17.000 ca viêm hô hấp cấp tính. Diễn tiến bệnh dao động theo mùa, số ca thường thấp vào tháng 2-3 và cao nhất trong khoảng tháng 10 đến tháng 12 với hơn 20.000 ca mỗi tuần, trong đó 60% là trẻ em.
"Nguy cơ viêm đường hô hấp trên vào mùa mưa tăng cao hơn bình thường", bác sĩ Hằng nói, dẫn chứng một tuần qua toàn hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiếp nhận gần 1.000 người bệnh viêm đường hô hấp trên, tăng 30% so với hai tuần trước đó. 20% người bệnh đến khám do sốt, đau họng, sổ mũi, ho. Lượng bệnh nhân đến rửa mũi xoang và thở khí dung cũng nhiều hơn.
Đơn cử, chị Hồng, 38 tuổi, sốt li bì, đau họng, nuốt vướng, khàn tiếng nặng, tự mua thuốc 5 ngày không khỏi, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. Kết quả nội soi tai mũi họng cho thấy niêm mạc mũi họng sưng, đỏ, sung huyết, nhiều dịch nhầy trong mũi. Bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm mũi họng, kê thuốc điều trị nội khoa, rửa mũi xoang đều đặn.
Còn bé Lệ, 4 tuổi, sốt, ho, chảy nước mũi, đau họng, bỏ ăn, đến Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7 khám. Kết quả nội soi ghi nhận niêm mạc mũi họng của trẻ sưng đỏ, dịch nhầy tích tụ trong mũi, tai gây nghẹt mũi, khó thở, khó chịu ở tai. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm đường hô hấp trên, kê đơn thuốc và hướng dẫn ba mẹ cách chăm mũi xoang cho con.
ThS.BS.CKI Trương Tấn Phát, Trưởng Đơn vị Tai Mũi Họng, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, cho biết hệ miễn dịch của trẻ em và người cao tuổi yếu hơn nên dễ bị vi khuẩn, virus tấn công trong mùa mưa. Trẻ có cấu trúc vòi nhĩ ngắn, rộng và nằm ngang hơn so với người trưởng thành. Chất lỏng từ cổ họng, mũi có chứa vi khuẩn dễ dàng đi qua vòi nhĩ, gây tắc nghẽn, sưng viêm, dẫn đến viêm mũi họng, viêm tai giữa.
Bác sĩ Hằng khuyến cáo mọi người nên giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ, ngực, chân, hạn chế để cơ thể bị nhiễm nước mưa, thay quần áo ngay khi đi ngoài mưa về. Đeo khẩu trang khi ra ngoài, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý hàng ngày. Bổ sung vitamin C từ thực phẩm như cam, chanh, bưởi, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, tập thể dục đều đặn để nâng cao hệ miễn dịch, góp phần phòng bệnh.
Người có triệu chứng sổ mũi, nghẹt mũi, ho khan hoặc ho có đờm, đau họng, khàn tiếng, mệt mỏi, đau đầu, sốt nhẹ hay sốt kéo dài, trên 38,5 độ C... nên đi khám. Bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh, điều trị kịp thời, tránh biến chứng.
Uyên Trinh
20h ngày 30/10, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tổ chức tư vấn trực tuyến "Bệnh viêm đường hô hấp trên thường gặp khi giao mùa", phát trên fanpage VnExpress.
Chương trình có các bác sĩ Đơn vị Nhi, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tham gia tư vấn, gồm PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy, BS.CKII Nguyễn Thị Hạnh Lê, ThS.BS.CKI Phạm Thái Duy. Độc giả gửi câu hỏi tại đây.