Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phân loại rượu là tác nhân gây ung thư. Nghiên cứu năm 2020 của Đại học Liverpool (Anh) trên 125.000 người cho thấy rối loạn sử dụng rượu (nghiện rượu) làm tăng nguy cơ ung thư phổi, nhất là ung thư biểu mô tế bào vảy phổi. Người mang các biến thể di truyền ung thư phổi lạm dụng rượu cũng có nguy cơ cao.
Theo các nhà nghiên cứu, ethanol trong rượu và chất chuyển hóa chính của ethanol là acetaldehyde gây độc cho gene. Chúng có thể làm hỏng vật liệu di truyền trong tế bào dẫn đến ung thư. Người có khuynh hướng di truyền mắc bệnh ung thư, uống nhiều rượu có thể làm tăng tốc độ nhân lên của các tế bào khối u. Lý do là các chất trong rượu làm mất ổn định các nhiễm sắc thể và DNA bình thường.
Nghiên cứu công bố năm 2016 của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ trên hơn 490.000 người cho thấy người sử dụng rượu nhiều (hơn 7 ly mỗi ngày) tăng khả năng ung thư phổi. Ngược lại mức tiêu thụ vừa phải (một ly hoặc ít hơn mỗi ngày) làm giảm rủi ro này.
Theo nghiên cứu trên hơn 126.000 người, năm 2011, của Trường Cao đẳng Bác sĩ Lồng ngực Mỹ, uống nhiều rượu (hơn ba ly mỗi ngày) tăng 30% nguy cơ ung thư phổi ở người chưa bao giờ hút thuốc. Rượu góp phần vào sự phát triển của ung thư phổi, không liên quan đến hút thuốc lá.
Uống rượu còn ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở người bệnh này. Năm 2009, Trường Cao đẳng Y khoa Mayo Clinic (Mỹ) đã phân tích các nghiên cứu trên hơn 5.600 bệnh nhân ung thư phổi và đánh giá về tiên lượng bệnh. Kết quả cho thấy khoảng 69% người bệnh đã uống rượu trước khi được chẩn đoán. Người không bỏ rượu sau điều trị có sức khỏe kém hơn và khả năng sống sót sau 5 năm thấp hơn 9 lần so với người bệnh bỏ uống rượu.
Người bị rối loạn sử dụng rượu sau phẫu thuật ung thư phổi có nguy cơ viêm phổi tăng 50%, tổn thương phổi cấp tính 90% và tử vong cao hơn 50%. Ngược lại, điều trị tình trạng này trước khi mổ khối u ác tính ở phổi có thể cải thiện kết quả điều trị và giảm 75% nguy cơ mắc các bệnh về phổi.
Người có triệu chứng của rối loạn sử dụng rượu như luôn thèm rượu, không kiểm soát được lượng nạp vào nên được điều trị nhằm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư. Ngoài ung thư phổi, lạm dụng rượu còn có thể thúc đẩy ung thư gan, ruột già, trực tràng, vú, đầu cổ phát triển.
Mai Cat (Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |