Liên cầu lợn là bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người do vi khuẩn Streptococcus suis gây ra. Khi xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa (ăn thực phẩm nhiễm khuẩn), niêm mạc miệng hoặc vết thương hở, vi khuẩn có thể đi vào máu, gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não, tổn thương đa cơ quan.
Tiết canh là món ăn sống, làm từ huyết lợn tươi trộn với các gia vị, sau đó để đông, ăn trực tiếp. BS.CKI Đào Thị Yến Thủy, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tiết canh có chứa một lượng nhỏ protein, lượng sắt cao, vitamin nhóm B nhưng các lợi ích này không đủ lớn so với nguy cơ nhiễm khuẩn, ký sinh trùng hoặc virus. Không nên cho rằng ăn huyết bổ máu, vì chất sắt trong tiết canh khó được cơ thể hấp thu. Món ăn này không trải qua quá trình xử lý nhiệt, nếu nhiễm vi sinh vật gây bệnh là nguồn lây bệnh trực tiếp. Cách lấy tiết thông thường không đảm bảo sát trùng nên nguy cơ nhiễm rất cao. Nếu lợn không được kiểm dịch, tiết và nội tạng có thể chứa các tác nhân gây viêm gan E, sán lá gan, giun xoắn...
Huyết sống có thể chứa nhiều vi sinh vật gây bệnh, trong đó có vi khuẩn liên cầu lợn. Vi khuẩn này có thể tồn tại trong máu, họng, đường tiêu hóa của lợn mang mầm bệnh, kể cả khi lợn không có biểu hiện rõ ràng. Nếu người ăn phải tiết canh từ lợn nhiễm khuẩn, nguy cơ mắc bệnh cao. Liên cầu lợn tuy không phổ biến như các bệnh truyền nhiễm khác, nhưng khi mắc có thể diễn tiến nặng, gây nhiễm trùng toàn thân, viêm màng não, sốc nhiễm khuẩn, tử vong. Một số người có thói quen cho rằng vắt thêm chanh, giấm, pha rượu hoặc mắm gừng để làm tiết "sạch và chín hơn". Tuy nhiên, theo bác sĩ Yến Thủy, những biện pháp này không thể tiêu diệt hoàn toàn vi sinh vật có hại, đặc biệt là trong môi trường huyết sống.

Bác sĩ Yến Thủy tư vấn dinh dưỡng cho người đến khám. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Một số dấu hiệu cảnh báo lợn không an toàn như thịt có màu tím tái, tiết không đông hoặc có mùi lạ, lợn bỏ ăn, sốt cao, khó thở, lờ đờ. Nếu lợn bị giết mổ không đúng cách, không có dấu kiểm dịch, nguy cơ nhiễm khuẩn càng cao.
Bác sĩ Yến Thủy khuyến nghị nên dùng món ăn nấu chín. Người có hệ miễn dịch yếu như trẻ nhỏ, người cao tuổi, có bệnh nền, phụ nữ mang thai cần tuyệt đối tránh dùng tiết canh. Sau khi ăn tiết hoặc thịt lợn tái, nếu xuất hiện triệu chứng như sốt cao, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, tiêu chảy, ù tai, nổi ban trên da hoặc giảm thính lực, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện để được khám, xét nghiệm, điều trị kịp thời.
Trọng Nghĩa
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |