Nhiễm khuẩn tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiểu, ngược dòng từ niệu đạo di chuyển lên bàng quang. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 4 lần so với nam giới do cấu trúc niệu đạo ngắn hơn. Người mắc bệnh có cảm giác nóng rát, hoặc đau, đôi khi ra máu khi đi tiểu, tăng tần suất đi tiểu, tiểu gấp.
Tiến sĩ, Bác sĩ Mai Thị Hiền, Phó khoa Tiết niệu - Nam học và Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu phổ biến hơn vào mùa hè do nhiều nguyên nhân.
Mất nước
Nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu tăng lên vào mùa hè do không uống đủ nước, nhất là trong các đợt nắng nóng cao điểm. Khi cơ thể bị mất nước, lượng nước tiểu ít, các vi khuẩn có cơ hội bám lại trên tiết niệu và gây bệnh. Uống đủ lượng nước cơ thể cần giúp làm sạch đường tiết niệu, đào thải vi khuẩn ra ngoài, giảm nguy cơ gây nhiễm khuẩn.
Nhịn tiểu
Mùa hè là thời điểm tuyệt vời để diễn ra các hoạt động thể chất, hoạt động tập thể như camping, teambuilding... Nhiều người có xu hướng nhịn tiểu để tập trung cho vận động cơ thể. Nhịn tiểu trong thời gian dài vì bạn ở bên ngoài, không thể vào phòng vệ sinh sạch sẽ như mong muốn cũng có thể gây ra nhiễm khuẩn tiết niệu do nước tiểu tồn đọng trong bàng quang.
Quan hệ tình dục
Hoạt động tình dục kết hợp với việc không uống đủ nước có thể dẫn đến số lượng ca mắc nhiễm khuẩn tiết niệu tăng cao vào mùa hè. Đi tiểu ngay và vệ sinh sạch sẽ sau khi quan hệ có thể loại bỏ vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu khi giao hợp. Việc lau khô đúng cách sau khi đi vệ sinh, tức là lau từ trước ra sau, cũng giúp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu, tránh lây nhiễm vi khuẩn từ hậu môn sang đường tiểu.
Đi bơi
Mùa hè gắn liền với các hoạt động dưới nước. Nhiều người dành thời gian đi bơi ở bể bơi, vui chơi trên hồ hay đi tắm biển. Các hoạt động này là yếu tố rủi ro phát triển bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu. Quần áo tắm và đồ lót ẩm tạo môi trường sinh sôi vi khuẩn, do đó nên thay đồ tắm ướt hay đồ lót ẩm càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, hoạt động thể chất nhiều vào mùa hè gây đổ mồ hôi làm ẩm ướt quần áo. Cần chú ý thường xuyên thay đồ, nhất là đồ lót sau khi đổ mồ hôi.
Nhiễm khuẩn tiết niệu không điều trị đúng cách có thể gây ra các biến chứng như viêm bể thận gây tổn thương thận, nhiễm trùng huyết... Để giảm nguy cơ mắc nhiễm khuẩn tiết niệu vào mùa hè, Tiến sĩ Mai Thị Hiền khuyên mọi người nên uống đủ nước, ít nhất 2 lít nước mỗi ngày, đi tiểu thường xuyên ít nhất 3 giờ/lần, đi tiểu sau khi giao hợp. Sau khi đi vệ sinh, hãy lau từ trước ra sau giúp giảm khả năng tích tụ vi khuẩn ở niệu đạo.
Lục Bảo