Theo các chuyên gia y tế, bất kỳ ai cũng có khả năng mắc Covid-19 nhưng bệnh nhân ung thư nên đặc biệt thận trọng. Dưới đây là những thắc mắc thường gặp của người bệnh ung thư về điều trị, phòng ngừa trong bối cảnh Covid-19.
Nguy cơ mắc Covid-19 tăng với bệnh nhân ung thư?
Một báo cáo gần đây được công bố trên tạp chí JAMA Oncology cho thấy, bệnh nhân ung thư có nguy cơ mắc Covid-19 cao gấp 7 lần so với người bình thường. Nguy cơ này cao nhất ở những bệnh nhân bị bệnh bạch cầu, u lympho không Hodgkin và ung thư phổi. Nguy cơ gia tăng hơn nữa ở những người Mỹ gốc Phi bị ung thư, đặc biệt là những người bị ung thư vú, tuyến tiền liệt và ung thư phổi.
Vì sao bệnh nhân ung thư có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn?
Bệnh nhân ung thư có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn và cũng dễ chuyển biến nặng hơn người bình thường. Bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư máu, có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, từ đó làm giảm sức đề kháng của người bệnh. Những người mắc các bệnh này đặc biệt nhạy cảm với Covid-19. Các phương pháp điều trị ung thư cũng có thể gây ra những tác động đến hệ miễn dịch.
Các trường hợp ung thư tiến triển hoặc di căn còn có thể ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan, chẳng hạn như phổi hoặc thận. Điều này sẽ khiến cơ thể người bệnh gặp nhiều khó khăn trong việc chống chọi với các bệnh lý nghiêm trọng như Covid-19.
Triệu chứng Covid-19 ở bệnh nhân ung thư có giống người bình thường?
Nhìn chung, triệu chứng Covid-19 ở bệnh nhân ung thư không có nhiều khác biệt so với người bình thường. Sốt, ho và khó thở là những dấu hiệu thường gặp. Ngoài ra, bệnh nhân ung thư cũng có thể gặp phải các triệu chứng như ho, đau nhức cơ thể, đau đầu, mất vị giác hoặc khứu giác, sổ mũi, buồn nôn, nôn và tiêu chảy khi mắc Covid-19.
Tuy nhiên, triệu chứng Covid-19 đôi khi giống với tác dụng phụ do các phương pháp điều trị ung thư gây ra. Vì vậy, nếu gặp phải những dấu hiệu này và cảm thấy lo lắng, bệnh nhân nên liên hệ ngay với bác sĩ điều trị để được tư vấn và theo dõi.
Bệnh nhân ung thư có nên trì hoãn điều trị trong giai đoạn dịch bệnh?
Bệnh nhân ung thư cần thảo luận với bác sĩ về kế hoạch điều trị. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể thay đổi phác đồ điều trị ung thư để hạn chế nguy cơ mắc Covid-19 cho bệnh nhân. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân vẫn có thể tiến hành điều trị một cách an toàn.
Trong giai đoạn dịch bệnh, nhiều bệnh viện đã tiến hành thăm khám và đánh giá định kỳ từ xa để giúp bệnh nhân không phải đến bệnh viện quá nhiều lần. Bác sĩ cũng sẽ cân nhắc lựa chọn các phương pháp điều trị mà bệnh nhân có thể sử dụng tại nhà, chẳng hạn như thuốc hóa trị đường uống để thay thế cho các thuốc hóa trị truyền tĩnh mạch trong giai đoạn này.
Đối với những bệnh nhân chưa bắt đầu điều trị, bác sĩ sẽ xem xét nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh, loại ung thư, mức độ tiến triển của khối u để từ đó xác định phương án chăm sóc tiếp theo. Họ có thể được trì hoãn điều trị, sử dụng các phương pháp điều trị không ức chế miễn dịch để thay thế trong giai đoạn này.
Bệnh nhân ung thư nên làm gì để nâng cao sức khỏe, hạn chế nguy cơ mắc Covid-19?
Để nâng cao sức khỏe và hạn chế nguy cơ mắc Covid-19, bệnh nhân ung thư nên duy trì thói quen sống lành mạnh, thực hiện các biện pháp phòng ngừa Covid-19. Bệnh nhân ung thư nên đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người và tránh tiếp xúc gần với người khác. Người bệnh cũng cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và tránh chạm tay lên mắt, mũi, miệng. Các bề mặt mà bệnh nhân chạm vào hằng ngày nên được khử trùng thường xuyên bằng cồn hoặc các sản phẩm tẩy rửa chuyên dụng.
Bệnh nhân ung thư nên thực hiện các hoạt động thể chất nhẹ nhàng, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý và ngủ đủ giấc để tăng cường khả năng miễn dịch, nâng cao sức khỏe tổng thể.
Phương Quỳnh
(Theo Cleveland Clinic, American Cancer Society)