Ngày 18/5, ThS.BS.CKI Nguyễn Thị Hương, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết như trên, thêm rằng tình trạng mất thính lực, suy giảm thích lực do sử dụng tai nghe không đúng khá phổ biến. Riêng Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, mỗi tháng tiếp nhận khoảng 20 trường hợp đến đo thính lực do khả năng nghe bị ảnh hưởng.
Đa số người bệnh trẻ, từ 18 đến 30 tuổi, làm việc văn phòng, sinh viên, có thói quen sử dụng tai nghe trong thời gian dài với âm lượng lớn để tập trung làm việc, học tập hoặc giải trí, nghe nhạc. Cũng có trường hợp vì tính chất công việc như bộ phận chăm sóc khách hàng, nhân viên kinh doanh trực tuyến... phải đeo tai nghe 7-8 tiếng mỗi ngày xử lý công việc. Hầu hết người bệnh mức độ nghe kém nhẹ đến trung bình, mức độ tăng dần từ từ nên dễ bị bỏ qua.
"Người thường xuyên nghe âm thanh ở mức 100 dB (decibel) trong 15 phút hoặc nghe âm lượng trên 85 dB liên tục trong 8 tiếng, dễ suy giảm thính lực", bác sĩ Hương nói. Ngưỡng cường độ an toàn mà tai người có thể xử lý phải nhỏ hơn 80 dB.
Tai có hàng nghìn tế bào lông có nhiệm vụ truyền âm thanh từ tai đến não. Âm thanh quá ồn có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho các tế bào này, làm gián đoạn cơ chế truyền âm thanh. Mức âm thanh quá lớn còn làm tổn thương cả sự kết nối giữa tế bào lông và tế bào thần kinh dẫn đến gián đoạn khả năng thính lực.
Đơn cử chị Loan, 30 tuổi, đau tai, thính thực suy giảm do nghe kém, được bác sĩ hướng dẫn điều chỉnh thói quen sử dụng tai nghe - nguyên nhân chính gây bệnh.
Kết quả đo thính lực đồ của chị Loan tại Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho thấy ngưỡng nghe trung bình 35 dB, được đánh giá nghe kém tiếp nhận nhẹ. Nghe kém tiếp nhận diễn ra khi bộ phận tiếp nhận (tai trong hoặc dây thần kinh) không hoạt động hiệu quả.
Chị Loan cho biết dùng tai nghe suốt 8 tiếng làm việc ở văn phòng, âm lượng bằng khoảng 70% mức âm lượng tối đa của máy tính cá nhân. Chị cũng đeo tai nghe với âm lượng khoảng 50% mức tối đa khi làm tại nhà, có khi mở nhạc lớn nhất để át tiếng ồn, tránh xao nhãng.
Gia đình chị Loan không có ai nghe kém, chị không có vấn đề thính lực từ nhỏ. Bác sĩ Hương cho biết tình trạng giảm thính lực gần đây của chị Loan do dùng tai nghe liên tục với âm lượng lớn, nếu tiếp tục duy trì thói quen này trong thời gian dài, tình trạng nghe kém sẽ ngày càng nặng, và tổn thương là không hồi phục.
Người bệnh được hướng dẫn giảm âm lượng, dưới 60% so với mức tối đa khi sử dụng tai nghe, dùng một tiếng mỗi ngày, để tai nghỉ ngơi khoảng 5-10 phút ngắt quãng giữa các lần sử dụng.
Tương tự, chị Huyền, 25 tuổi, thường xuyên nghe tai nghe với âm lượng lớn khi làm việc tại văn phòng. Chị thường nghe khoảng 70-80% so với âm lượng lớn nhất của máy tính cá nhân. Gần đây, chị cảm thấy hơi đau tai và khó nghe rõ những âm thanh nhỏ nên đến Trung tâm Tai Mũi Họng kiểm tra thính lực, đo thính lực đồ. Dựa trên kết quả, bác sĩ đánh giá chị Huyền bị suy giảm thính lực, ở mức nghe kém nhẹ.
Dùng tai nghe không đúng cách gây suy giảm hoặc mất thính lực dần theo thời gian. Đây là nguyên nhân khiến sự lão thính diễn ra sớm hơn mốc suy giảm thính lực thông thường do tuổi tác, theo bác sĩ Hương. Khi được chẩn đoán nghe kém vì sử dụng tai nghe với âm lượng lớn, người bệnh cần hạn chế tiếp xúc tiếng ồn, âm thanh lớn vì thuốc không có nhiều tác dụng để điều trị trong trường hợp này. Nếu người bị nghe kém nhiều hơn, ảnh hưởng cuộc sống, bác sĩ chỉ định đeo máy trợ thính.
Để bảo vệ tai, phòng suy giảm thính lực, bác sĩ Hương khuyến cáo không nên lạm dụng tai nghe. Khi cần chỉ nên đeo tai nghe tối đa trong vòng một tiếng, sau đó để tai được nghỉ ngơi 5-10 phút rồi mới tiếp tục sử dụng. Nếu nghe âm thanh hơn 90 phút phải giảm âm lượng thường xuyên. Nghe ở mức độ nhẹ 30-50 dB, mức độ trung bình khoảng 60 dB, mức độ lớn là trên 70 dB. Người dùng cũng có thể cài đặt phần mềm về theo dõi và cảnh báo mức độ nghe an toàn trên điện thoại thông minh.
Người làm việc trong môi trường có mức âm thanh lớn như phòng karaoke, các sự kiện âm nhạc, máy móc công nghiệp... nên sử dụng nút bịt tai để giảm mức độ tiếp xúc tiếng ồn. Chủ động khám sức khỏe, đo thính lực khi có dấu hiệu nghi ngờ nghe kém.
Uyên Trinh
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |