Với một số trường hợp vô sinh, nhiều đánh giá hướng tới phụ nữ, đổ lỗi cho họ nhiều hơn nhưng cần biết rằng nam giới đóng một vai trò quan trọng trong tỷ lệ thụ thai thành công ở các cặp vợ chồng. Và yếu tố cân nặng, ngay từ khi thời thanh thiếu niên cũng có thể góp phần không nhỏ.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh trong giai đoạn thơ ấu và thanh thiếu niên có thể ngăn ngừa vô sinh sau này ở bé trai. Phát hiện này cũng được các nhà nghiên cứu khẳng định hồi tháng 6, tại ENDO 2022 - cuộc họp thường niên của Hiệp hội Nội tiết Mỹ tại Atlanta, Georgia.
Theo kết quả từ nghiên cứu, bé trai và nam thanh niên thừa cân hoặc mắc các vấn đề liên quan tới béo phì ngoài việc có lượng insulin cao hoặc kháng insulin còn có xu hướng có tinh hoàn nhỏ hơn so với trẻ em có cân nặng mức bình thường. Thực tế, thể tích tinh hoàn (số đo kích thước tinh hoàn) thực sự có liên quan trực tiếp đến số lượng tinh trùng, tức là tinh hoàn nhỏ hơn sẽ tạo ra ít tinh trùng hơn.
Trưởng nhóm nghiên cứu, bác sĩ Rossella Cannarella, đồng thời công tác tại Đại học Catania, Ý cho biết: "Việc kiểm soát trọng lượng cơ thể một cách khoa học ở thời thơ ấu và thanh thiếu niên ở bé trai có thể giúp duy trì chức năng tinh hoàn bình thường sau này". Bà cũng cho biết thêm, tỷ lệ vô sinh nam đang gia tăng trong khi số lượng tinh trùng trung bình ở nam trên toàn thế giới đã giảm một nửa trong suốt 40 năm qua.

Bé trai thừa cân giai đoạn dậy thì, thanh thiếu niên có nguy cơ bị tinh hoàn nhỏ hơn bình thường. Ảnh: Freepik
Theo bác sĩ Cannarella, 1/4 nam thanh niên trong độ tuổi 18-19 thường có thể tích tinh hoàn thấp hoặc tinh hoàn nhỏ hơn bình thường, gây nhiều nguy cơ với khả năng sinh sản trong tương lai. Và tình trạng này cũng xảy ra cùng với sự gia tăng của béo phì, thừa cân gia tăng ở trẻ.
Ngoài nguyên nhân liên quan tới béo phì, thừa cân, một số yếu tố cũng có thể góp phần làm giảm khả năng sinh sản ở trẻ, bao gồm:
Tình trạng y tế
Các vấn đề có liên quan như sưng tĩnh mạch, giãn tĩnh mạch thừng tinh, nhiễm trùng, khối u, các vấn đề về nội tiết tố hoặc tinh hoàn ẩn... cũng có thể ảnh hưởng tới chức năng sinh sản ở nam giới.
Lối sống
Thói quen hút thuốc và uống rượu có tác động rất lớn đến khả năng sinh sản của nam giới vì có thể làm giảm số lượng tinh trùng và mức testosterone. Lối sống ăn uống vô độ, nhiều chất béo có thể dẫn tới thừa cân quá mức gây mất cân bằng nội tiết tố ở nam.
Môi trường
Những người đặc thù công việc phải tiếp xúc với bức xạ hoặc nhiệt có hại, khả năng sinh sản có thể bị ảnh hưởng. Ngay cả các thiết bị điện tử hiện đại như điện thoại di động, máy tính bảng và máy tính xách tay cũng có thể dẫn đến các vấn đề về khả năng sinh sản ở nam giới.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị, nếu một cặp vợ chồng không thể có thai sau 12 tháng trở lên không dùng biện pháp tránh thai cần đi khám chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Có một số cách mà nam giới có thể tăng cường khả năng sinh sản của mình, trong đó, duy trì trọng lượng cơ thể bình thường thời thanh thiếu niên là một trong những cách hữu ích.
Bảo Bảo (Theo Health Shots)