Nói về câu chuyện giao thông ở nước ta, gần đây người ta bàn đến nhiều phương án cải thiện tình trạng ùn tắc như cấm xe máy, thu phí ôtô và gần đây nhất Hà Nội tiến hành đếm phương tiện để điều chỉnh giao thông. Tất nhiên, những cuộc tranh cãi gay gắt cũng nảy sinh từ những đề xuất này. Người đồng tình, người phản đối, nhưng dường như chúng ta chỉ đánh giá dựa trên điểm nhìn, hoàn cảnh của mình, chứ chưa có cái nhìn toàn diện và bao quát về câu chuyện giao thông và xã hội Việt.
Bất cứ một phương tiện giao thông nào, khi ra đời, cũng gắn liền với tiến trình phát triển kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa của thời kỳ đó. Cũng giống như một đửa trẻ bắt đầu từ tập lẫy, tập bò, tập ngồi, rồi mới tập đứng và tập đi. Nó không thể bỏ qua một trong những quy luật ấy. Nếu có (nhưng rất ít) bỏ qua được thì chuyển từ giai đoạn này vượt sang giai đoạn khác cũng rất lâu.
Phải hiểu rằng, nền kinh tế nước ta là nền kinh tế vỉa hè, không phải là tập trung ở các tòa nhà văn phòng, các khu công nghiệp, nên gần như cấm xe máy, ôtô (phương tiện cá nhân nói chung) là chuyện bất khả thi. Các con ngõ nhỏ dài tới cả km, từ ngõ ra đường chính, rồi ra tới điểm có xe buýt có khi lên đến cả 3- 4 km, nên không thể nói bỏ xe máy, ôtô trong một sớm một chiều.
Ví dụ, trong khu Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội chẳng hạn. Từ UBND phường Khương Trung, người ta phải đi bộ ra ngoài Ngã Tư Sở (hơn một km) mới có điểm đón xe buýt gần nhất. Vậy có hợp lý khi loại bỏ hoàn toàn xe máy, ôtô? Chỉ khi nào nước ta xóa bỏ được nền kinh tế "vỉa hè, phân tán", lúc ấy đường phố hẳn sẽ rất thông thoáng.
>> Cấm xe máy là lối thoát cho xe buýt
Nhiều người lại nói "chỉ cần dời bệnh viện, trường đại học ra ngoại ô là đã giảm tắc đường". Nhưng họ quên mất rằng, thực tế ở chính những khu đất được di dời đó, người ta lại xây dựng lên mấy chục tòa nhà cao 30-40 tầng, quy mô dân số lên đến cả trăm ngàn người. Ví dụ như di dời được khu chợ thuốc, triển lãm ở Giảng Võ sang Đông Anh và Vũ Trọng Phụng, nhưng người ta lại đang dự kiến xây ở đó khoảng 10-15 tòa chung cư. Vậy thì tắc vẫn hoàn tắc.
Ở nước ta, cứ 100 nhà có xe máy thì có 10 nhà sở hữu ôtô. Nhưng 10 nhà có ôtô thì hầu như cả 10 đều sở hữu xe máy. Thế nên, câu chuyện tắc đường, kẹt xe, ô nhiễm... không chỉ có ở xe máy, hay xe cá nhân. Nó đến từ việc quy hoạch hệ thống giao thông công cộng chưa đồng bộ, thiếu và yếu.
Đường nhỏ hẹp, mặt đường nhiều hàng quán, bãi đỗ xe chiếm dụng vỉa hè... nên nếu cấm xe máy cũng đồng nghĩa với triệt luôn đời sống mưu sinh của rất nhiều người. Nên không phải cứ nói cấm là cấm được. Cấm trên một vài tuyến phố có lẽ ít ảnh hưởng vì khi đó lượng phương tiện sẽ di chuyển sang những tuyến phố, con đường khác. Nhưng cấm diện rộng sẽ tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội ngay tức khắc.
Theo thống kê, giao thông công cộng ở ta mới chỉ phục vụ được chưa đến 10% nhu cầu đi lại của người dân. Do đó, cách tối ưu là phát triển mạng lưới giao thông công cộng dày đặc, xây các khu văn phòng tập trung ra ngoại ô... Vì đặc thù nền kinh tế vỉa hè, nhà riêng, thế nên rất cần thiết xây dựng một khu tập trung các văn phòng, công ty vào một địa điểm với giá thuê mặt bằng rẻ.
Nói tóm lại, cấm hay loại bỏ phương tiện cá nhân phải là một bài toán tổng thể chứ không phải chỉ nói cấm là xong.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.