Vô tình phát hiện bệnh tim khi chủng ngừa
Anh Lý Minh Thuận (35 tuổi, quận Tân Bình, TP HCM) thỉnh thoảng bị đau thắt ngực, khó thở, tim đập nhanh khi chơi tennis. Anh nghĩ do vận động cường độ cao và tập trung cao độ cho trận đấu nên chủ quan không để ý. Trong lần đi khám tổng quát để tiêm ngừa vào giữa tháng 11, anh bất ngờ phát hiện bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn. Bác sĩ khuyến cáo anh không nên chơi các môn thể thao gắng sức.
Bác Nguyễn Thị Mai (65 tuổi, quận Phú Nhuận, TP HCM) nhiều lần bị trì hoãn tiêm vaccine Covid-19 tại cộng đồng vì huyết áp cao. Bác Mai đăng ký tiêm vaccine tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM và được bác sĩ tim mạch khám sàng lọc trước khi tiêm vào giữa tháng 11.
Sau khi thực hiện siêu âm tim và đo điện tim, bác sĩ chẩn đoán bác Mai có bệnh cơ tim phì đại không tắc nghẽn với tình trạng dày lệch tâm của vách liên thất, rối loạn chức năng tâm trương thất trái độ II và thiếu máu cơ tim. Theo lời người nhà, bác thỉnh thoảng than chóng mặt, mệt mỏi nhưng nghĩ bệnh tuổi già nên gia đình chỉ cho uống thuốc bổ.
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh - Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, thông thường người trẻ rất chủ quan, nghĩ rằng các triệu chứng hồi hộp, hoa mắt, chóng mặt, đau ngực chỉ là "xoàng", lơ là thăm khám và điều trị. Nhiều trường hợp còn tự ý mua thuốc theo toa của người khác sử dụng vì thấy có triệu chứng tương tự mà không thăm khám bác sĩ, dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
"Các dấu hiệu nhận biết bệnh cơ tim phì đại như đau thắt ngực, hoa mắt, chóng mặt, choáng váng khi đổi tư thế, khó thở, ngất xỉu... dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Không ít bệnh nhân phát hiện bệnh khi tiến triển nặng hoặc vô tình qua thăm khám bệnh khác. Phát hiện muộn có nguy cơ trở nặng, đột tử, nhất là người có bệnh lý nền", bác sĩ Vinh cho biết.
Bệnh cơ tim phì đại có thể gây đột tử
Theo TS.BS Trần Vũ Minh Thư - Trưởng khoa Nội Tim mạch 2, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, bệnh cơ tim phì đại di truyền với tỷ lệ 1/500. Đây là nguyên nhân thường gặp dẫn đến đột tử ở vận động viên, người chơi thể thao cường độ cao và người trẻ tuổi. Bệnh lý di truyền này do đột biến gene mã hóa protein của cấu trúc sarcomere cơ tim. Bệnh nhân sẽ có thành tim dày lên, có thể tiến triển tới tình trạng tắc nghẽn đường ra thất trái, hở van hai lá, rối loạn chức năng tâm trương, thiếu máu cơ tim và loạn nhịp tim. Bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, đau ngực, phù phổi, khó thở kịch phát về đêm, ngất, tiền ngất và thậm chí ngưng tim.
Triệu chứng của bệnh cơ tim phì đại có thể khác nhau ở mỗi người. Bệnh nhân có thể không có hoặc có rất ít triệu chứng bất thường. Chính điều này khiến phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, khi có biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng.
Thông thường, các dấu hiệu của cơ tim phì đại xuất hiện rõ khi chức năng bơm máu của tim suy giảm đáng kể. Người bệnh có thể gặp các triệu chứng như: khó thở, nhất là khi gắng sức; đau nhói ngực, nhất là khi hoạt động thể lực; đánh trống ngực; ngất xỉu - dấu hiệu cảnh báo rối loạn nhịp nhanh thất hoặc rung thất, có nguy cơ đột tử.
"Khi một thành viên trong gia đình được chẩn đoán mắc bệnh, các thành viên còn lại nên thực hiện xét nghiệm gene để tìm gene đột biến gây bệnh", bác sĩ Minh Thư nhấn mạnh.
Bác sĩ Minh Thư cũng cho biết, đối tượng mắc bệnh cơ tim phì đại thường gặp nhất ở người trẻ tuổi (dưới 35 tuổi) hoặc vận động viên. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể xuất hiện ở người lớn tuổi. Một số người có bệnh cơ tim phì đại đi kèm các bệnh khác như tăng huyết áp, đái tháo đường... Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách, người bệnh có nguy cơ đối mặt với các biến chứng nguy hiểm như: rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim, giãn cơ tim, hở van hai lá, suy tim, thậm chí đột tử...
Dù ở độ tuổi nào, nhất là những người chơi thể thao và người có bệnh nền cần thăm khám, tầm soát sức khỏe tim mạch định kỳ để phát hiện sớm và xử trí kịp thời các bất thường.
Để chẩn đoán bệnh cơ tim phì đại, bác sĩ sẽ hỏi tiền sử bệnh lý của bản thân người bệnh và gia đình; thực hiện một số kiểm tra cận lâm sàng như: siêu âm tim, xét nghiệm máu, điện tâm đồ (ECG), chụp X-quang ngực, MSCT tim, chụp cộng hưởng từ tim... Từ đó, bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Người có tiền sử gia đình bị cơ tim phì đại cần tầm soát bệnh định kỳ 1-2 năm một lần.
Phó giáo sư Phạm Nguyễn Vinh cho biết, bệnh cơ tim phì đại có thể điều trị bằng thuốc kết hợp thay đổi lối sống, theo dõi và tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ. Trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng điều trị nội khoa, bác sĩ có thể áp dụng những kỹ thuật tiến bộ trong điều trị ngoại khoa như: phẫu thuật cắt vách, chích cồn vào nhánh vách của động mạch liên thất trước và cấy máy khử rung tim (ICD).
Tên nhân vật đã được thay đổi
Ngọc An