"Sáng nay, tôi bị chặn ở chốt kiểm soát và một cán bộ nói rằng 'đi làm cấp thiết với công ty, chứ không cấp thiết đối với xã hội'. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần phải có sự thống nhất rõ ràng ngành nào, tổ chức nào, công ty nào được đi làm, để người lao động không phải đoán mò xem ai đi, ai ở? Bản thân công ty không có công văn cho nhân viên nghỉ, trong khi nếu ra đường lại bị cơ quan chức năng xử phạt cá nhân. Vậy chúng tôi phải sống thế nào cho hợp lòng hai bên?".
Đó là chia sẻ của độc giả Hien Nguyen trước thực trạng nhiều người dân ở Hà Nội bị xử phạt khi đi qua các chốt kiểm soát Covid-19. Trong số này, ngoài những người ra đường không có lý do chính đáng, không ít người rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi các công ty, doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực thiết yếu vẫn chưa cho phép nhân viên làm việc tại nhà.
Đồng quan điểm, bạn đọc C0nyeub0me cho rằng: "Hiện nay, vẫn còn nhiều công ty gian dối, cố tình làm giấy thông hành cho người lao động đi làm. Cơ quan chức năng phải vào cuộc làm rõ những công ty này có kinh doanh ngành nghề thiết yếu hay không? Chúng tôi ở nhà từ khi có Chỉ thị 15, chờ mong dân tình thực hiện tốt Chỉ thị 16, nhưng thực tế, lượng lớn người dân cứ ào ào ra đường, phần nhiều vì các công ty vẫn hoạt động chui. Vậy đến khi nào mới kết thúc được giãn cách xã hội?".
Chỉ ra những bất cập trong việc nhiều người dân vẫn phải đến công ty làm việc bất chấp nguy cơ bị xử phạt khi qua chốt kiểm soát, độc giả Vương quang anh nhấn mạnh: "Xin đừng chỉ đổ tại ý thức của người dân. Không phải ai muốn ra đường trước tình cảnh nguy cơ lây nhiễm cao thế này, nhưng vì công việc, vì kế mưu sinh, họ vẫn phải chấp nhận. Không một các nhà máy, xí nghiệp nào cho người lao động thích đi làm thì đi, thích nghỉ thì nghỉ, thậm chí đến muộn giờ còn bị phạt, bị trừ lương, cộng với nguy cơ bị đuổi việc, vậy ai dám trái lệnh để ở nhà? Nếu tháng này không có lương thì tháng sau sống bằng gì? Và khi thành phố vẫn cho các công ty, xí nghiệp hoạt động thì lượng người ùn ứ vào giờ cao điểm đương nhiên là không tránh khỏi".
>> Sếp bắt đi làm bất chấp Chỉ thị 16
"Dịch bệnh phức tạp, tôi tin là không ai muốn ra đường lúc này. Nhưng công việc ở cơ quan còn đó, các sếp vẫn cấp giấy, yêu cầu phải đi làm, trong khi ra đường lại bị cấm, bị phạt, chỉ có người lao động bị đẩy vào thế khó. Tôi biết người làm nhiệm vụ tại các chốt cũng rất mệt mỏi vì phải đứng chặn và kiểm tra giấy tờ đi lại của từng người, đối mặt với rủi ro lây nhiễm do tiếp xúc gần. Rất mong mỗi doanh nghiệp hãy ý thức hết sức có thể để ngăn chặn dịch bùng phát", bạn đọc Bùi Xuân Lâm nói thêm.
Trong khi đó, độc giả Anh vu nhấn mạnh việc cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp khi có nhân viên bị xử phạt vì ra đường: "Thực tế hiện nay, một số công ty vẫn bắt buộc người lao động phải đi làm. Nếu không đi, người lao động sẽ bị coi là tự ý nghỉ, trong khi nếu ra đường lại có nguy cơ bị phạt. Nên chăng thành phố cần quy định rõ, nhân viên trên đường đi làm nếu bị phạt thì công ty phải thanh toán tiền phạt thay, để các công ty cân nhắc trước khi ép người lao động phải ra đường".
Đó cũng là nhận định của độc giả Valak: "Vấn đề này theo tôi vẫn còn nhiều bất cập. Không phủ nhận việc lập chốt kiểm tra nhằm mục đích hạn chế người ra đường không có lý do thiết yếu là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, biện pháp này lại chưa thực sự hợp tình. Vấn đề ở đây là rất nhiều người dù không muốn ra đường nhưng vẫn bắt buộc phải đến công ty vì bản thân các doanh nghiệp chưa cho phép nhân viên làm tại nhà. Vì thế đây là câu chuyện cần làm rõ giữa cơ quan chức năng và các doanh nghiệp trên địa bàn chứ không thể đưa người dân vào thế khó khi bị kẹp giữa quy định của hai bên.
Tôi mong thành phố sớm có giải pháp giải quyết những bất cập này. Hãy chọn đúng đối tượng để áp quy chế quản lý (các doanh nghiệp) thay vì đẩy những người lao động vào thế 'ra đường chính quyền phạt, ở nhà sếp trừ lương'".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.