"Tôi ủng hộ việc làm nghiêm việc siết chặt quy định cấp giấy đi đường. Tuy nhiên, việc yêu cầu giấy đi đường phải có thêm dấu xác nhận của cấp phường nơi đơn vị đóng trụ sở thì tôi thấy có vẻ không ổn lắm. Ví dụ bên Thuế hay Bảo hiểm xã hội đồng xác nhận thì có thể khả thi, vì họ quản lý danh sách, hồ sơ nhân viên các công ty. Chứ cán bộ cấp xã, phường đâu biết những thông tin này, nên kể cả có xác nhận xong cũng không thể chắc chắn thực tế công ty có nhân viên đó hay không?".
Đó là quan điểm của độc giả Anh Vũ xung quanh quy định "Người đi đường phải có lịch trực, lịch làm việc của cơ quan" đang được áp dụng tại Hà Nội. Cụ thể, ngoài giấy đi đường theo mẫu của thành phố, tại các chốt kiểm soát, người đi đường phải xuất trình một số giấy tờ cá nhân như: CCCD/CMTND, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Độc giả Hongnv bày tỏ thắc mắc: "Tôi chưa hiểu vì sao phải cần có xác nhận của phường? Phường cũng chỉ căn cứ vào lời khai của doanh nghiệp. Theo tôi nên công khai doanh nghiệp thiết yếu trên website. Doanh nghiệp nào được chứng nhận thiết yếu thì được in mẫu giấy đi đường, đóng dấu và chịu trách nhiệm. Tại sao phải lên tận phường làm thủ tục?".
Chỉ ra những bất cập về yêu cầu cần có lịch trực, lịch làm việc bạn đọc Đinh Biên cho rằng: "Tôi thấy Hà Nội đang đưa ra yêu cầu mới về giấy đi đường, nhưng kể cả việc có xác nhận của UBND phường sở tại của các đơn vị cấp giấy đi đường cũng sẽ chưa hoàn toàn chặt chẽ. Tôi đã đi học và làm việc tại TP Melbourne, bang Victoria, Australia, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Tôi thấy tại đây, họ cũng áp dụng giấy đi đường giống ở ta. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tôi thấy họ có cấp thêm một phụ lục, giống như một bảng bố trí ngày làm việc. Điều này sẽ đảm bảo chắc chắn hơn việc công dân thực sự chỉ đến cơ quan khi cần thiết và theo sự bố trí của cơ quan. Lãnh đạo các cơ quan cũng sẽ rất cân nhắc và trách nhiệm khi sắp xếp cán bộ làm việc trong những ngày đó. Đây là việc chúng ta có thể học tập".
Trong khi đó, trước việc ùn ứ tại các chốt kiểm tra do thủ tục giấy tờ phức tạp, bạn đọc Loveforestgump nhận định: "Tôi thấy các thủ tục giấy tờ qua các chốt có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho người dân do không đảm bảo giãn cách. Các bạn cứ thử nhìn qua xem, mỗi chốt tụ tập bao nhiêu người? Trong khi đó, mỗi người phải giải thích lý do, nói qua nói lại mất bao nhiêu phút ở các chốt?".
"Làm thế này cũng vô hình trung khiến các chốt kiểm soát tập trung đám đông, gây ùn tắc, lại có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao. Mong chính quyền thành phố xem xét lại các tổ chức sao cho vừa kiểm soát được dịch lại vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân làm việc, vì cuộc sống hiện tại vốn đã quá vất vả, mệt mỏi rồi", độc giả Tâm Sáng bổ sung thêm.
>> Thế khó 'ra đường dính phạt, ở nhà trừ lương'
Thực tế, sáng 9/8, trong ngày đầu áp dụng quy định mới về giấy đi đường, nhiều tuyến phố trung tâm ùn ứ khi lực lượng chức năng siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội. Nhiều người dân còn bỡ ngỡ với quy định mới, không mang theo đủ giấy tờ cần thiết và đã bị nhắc nhở, khiến dòng xe bị dồn toa tại các chốt kiểm soát.
Ủng hộ chủ trương siết chặt quy định giấy đi đường, bạn đọc Nguyenquyson58 gợi ý giải pháp giải quyết tình trạng này: "Tôi ủng hộ quy định giãn cách nghiêm ngặt. Tuy nhiên, chúng ta phải quản lý nghiêm ngay từ khi người dân ra khỏi thôn, xã, tổ dân phố, xã, phường. Nếu không đủ điều kiện thì họ không được ra, vào khu vực. Làm được như vậy thì trên tuyến đường chính không cần phải đặt chốt nữa vì sẽ cản trở giao thông và gây tụ tập đông người, dễ lây lan dịch bệnh".
Độc giả Hòa đào quang đồng tình việc siết chặt giấy đi đường để đảm bảo giãn cách thực chất: "Ai cũng nói lý do cuộc sống mưu sinh, rồi trình bày cơm áo gạo tiền, ai cũng vì công việc, cố xin bằng được giấy để ra đường. Nhưng thực tế, số người ra đường có lý do chính đáng không quá nhiều. Nhiều người đi làm ngoài cũng cố tình nhờ bạn bè làm văn phòng xin cho giấy của công ty để được ra đường nhằm mục đích khác... Tôi nghĩ những ai có công việc thật sự và chính đáng thì hãy đi ra đường, còn không hãy ở nhà để đảm bảo công tác phòng dịch được hiệu quả. Hãy nghĩ về hàng triệu con người đang vất vả ở tuyến đầu chống dịch".
Ủng hộ quy định người đi đường phải có lịch trực, lịch làm việc của cơ quan, độc giả Tran Thanh Cong kết lại: "Tôi ủng hộ làm nghiêm vấn đề này. Buổi sáng, tôi làm tại nhà, nhìn qua cửa sổ vẫn thấy dưới đường nhiều người đi lại. Cơ quan chức năng nên xét đúng công ty, nhà máy, dây chuyền sản xuất không làm được ở nhà hoặc công ty thiết yếu, cơ quan phải ứng trực để cấp giấy đi đường. Còn những công ty, văn phòng làm được online, nếu ai đi làm sẽ phạt nghiêm. Như vậy, 15 ngày vàng giãn cách mới tận dụng được.
Hiện nay, nhiều người vẫn nói phải ra đường để đi làm, kiếm tiền, miếng cơm manh áo. Tôi không nói nguyện vọng đó là sai. Nhưng tại sao hàng ngày, cơ quan chức năng vẫn phạt được nhiều người ra đường không đúng mục đích thiết yếu như vậy? Điều đó cho thấy, rất nhiều người ngụy biện chuyện kiếm miếng cơm manh áo để ra đường.
Tôi đồng ý rằng nhiều nhân viên phải lên công ty làm việc như làm thầu, mã số thuế này kia... Nhưng tại sao vẫn có người dù công ty cho làm ở nhà mà vẫn muốn lên công ty để làm? Chúng ta hãy nghĩ đến mục tiêu lâu dài. Giãn cách không phải sẽ hết dịch bệnh, mà chỉ là cắt đứt nguồn lây và truy tìm F0.
Ngoài kia, biết bao nhiêu gia đình thuê mặt bằng kinh doanh (nhà hàng, quán ăn, salon, thẩm mỹ viện, cửa hàng, shop quần áo...) nhưng họ vẫn phải ở nhà dù mở mắt là mất tiền triệu tiền mặt bằng, trong khi không được kinh doanh. Bao nhiêu salon cắt tóc, làm đẹp cũng phải thuê mặt bằng, họ mất cả 40-50 triệu mỗi tháng đó thôi. Vậy tại sao vẫn có những công ty không phải thiết yếu hay tính chất công việc có thể làm ở nhà mà vẫn muốn đến trụ sở?
Khi Bắc Giang, TP HCM giãn cách xã hội, bao nhiêu người còn khó khăn hơn nhiều nhưng họ cũng phải chấp nhận ở nhà đó thôi. Vấn đề là làm sao để hài hòa được lợi ích của toàn xã hội, phải đặt cái mục tiêu chung lên trên hết".
Thành Lê tổng hợp
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.