Thận có chức năng lọc, đào thải nước và các sản phẩm cặn bã trong quá trình chuyển hóa của cơ thể như ure, creatinine, axit uric, các chất độc phenol... Đồng thời, thận giúp điều hòa thăng bằng nội môi, điều hòa nước, chất điện giải, muối.
Khi có tổn thương thận mạn tính, người bệnh sẽ gặp các rối loạn bao gồm: buồn nôn, nôn, phù do tăng kali, ure, giảm creatinine, natri; tăng phospho máu, rối loạn chuyển hóa canxi, vitamin D dẫn tới loãng xương; thiếu máu; có thể rối loạn chuyển hóa lipid máu, tăng huyết áp...
Theo bác sĩ Trần Thị Trà Phương, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, chế độ ăn đóng vai trò quan trọng giúp cải thiện mức lọc cầu thận và albumin huyết thanh, giảm huyết áp và cholesterol huyết thanh. Nguyên tắc chung trong chế độ dinh dưỡng cho người suy thận mạn tính bao gồm cung cấp đủ năng lượng, kiểm soát lượng protein. Mức độ hạn chế protein phụ thuộc vào mức độ tổn thương suy thận độ 1, 2, 3..., trước hoặc sau lọc máu. Người bệnh giảm lượng chất béo có nguồn gốc động vật, hạn chế muối, kiểm soát lượng kali, bổ sung đủ vitamin, khoáng chất.
Các thực phẩm nên ăn
Người bệnh ưu tiên lựa chọn và ăn có kiểm soát các thực phẩm có nguồn gốc đạm động vật, có chứa axit amin như thịt lợn nạc, bò, gà, cá, trứng... Các loại ngũ cốc có lượng đạm thấp có thể thay thế cơm như miến, khoai củ, bột sắn...
Các loại dầu, hạt nhiều dầu có nguồn gốc thực vật như dầu đậu nành, dầu hạt cải, dầu lạc, dầu vừng, dầu hướng dương là gợi ý thay thế mỡ động vật. Người bệnh chọn thực phẩm giàu canxi như các loại sữa đặc biệt cho người suy thận.
Thực đơn ăn của người suy thận mạn nên các loại rau xanh như bắp cải, rau cải xanh, su hào, bầu, bí xanh..., trái cây giàu vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó, người bệnh ăn nhạt, lượng muối hàng ngày không nên quá 5g tương đương 2.000 mg natri.
Các thực phẩm không nên ăn
Các thực phẩm chế biến sẵn: giò, chả, pate, xúc xích, cá hộp, thịt hộp... Các thực phẩm có nhiều muối như cá khô, cá muối, thịt muối, cà muối, dưa muối... có nhiều muối.
Gia vị: muối tinh, nước mắm, bột canh...
Các loại đậu: ăn ít các loại đậu giàu đạm thực vật, ưu tiên lượng đạm được ăn có nguồn gốc động vật giàu các acid amin có giá trị sinh học cao.
Thực phẩm nhiều cholesterol: phủ tạng động vật (óc, gan, cật, tim...)
Các thực phẩm nhiều mỡ: như thịt quay, lạp sườn, ba chỉ...
Dưới đây là thực đơn tham khảo cho người suy thận cân nặng 50-55kg, nhu cầu khoảng 1.700 kcal với lượng protein khoảng 0,6-0,8g/kg cân nặng/ngày.
Bữa ăn |
Món ăn |
Sáng |
Miến cá rô đồng Miến dong: 50 g Cá rô đồng: 25 g Dầu ăn:5ml Thì là, hành lá: 5-10 g Rau cần: 50 g Sữa dành cho người suy thận: 200 ml |
Trưa |
Cơm, thịt gà hấp, cải chíp xào tỏi, canh cải xanh, xoài chín Cơm: 150 g (75g gạo tẻ tương ứng khoảng gần một lưng bát cơm) Thịt gà hấp: 40 g (khoảng 2 miếng nạc) Cải chíp xào tỏi: Cải chíp 150 g (5-6 gắp), tỏi, dầu ăn 10 ml Cải xanh nấu canh: 2-3 gắp rau Xoài chín: 80 g tương đương ½ quả |
Phụ chiều |
Chè sắn dây khoai lang Khoai lang: 15-20 g Bột sắn dây: 10 g Đường kính: 10 g |
Tối |
Miến xào thập cẩm, thanh long Miến dong: 75 g Thịt bò: 30 g Hành tây: 80 g Cà rốt: 70 g Nấm hương: 3 g Dầu ăn: 12-15 g Thanh long: 150 g tương đương 1/3 quả |
Thư Nguyễn