(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net)
Luật sư Khanh, đang sống và làm việc tại Mỹ, chia sẻ bài viết về việc người Mỹ biểu tình đòi mở cửa bất chấp dịch Covid-19:
Sau hơn một tháng bị phong tỏa, người Mỹ ở nhiều bang khác nhau bắt đầu biểu tình đòi mở cửa. Đối với nhiều nước, con số hơn một triệu ca nhiễm và hơn 60,000 người chết là quá đủ để người dân nhà. Việc người Mỹ lại đổ ra đường biểu tình trong khi dịch chưa có dấu hiệu giảm là một điều kỳ lạ.
Nhưng đối với từng người Mỹ, họ chỉ nhìn thấy vấn đề qua lăng kính của riêng. Những thiệt hại thực sự về kinh tế của mỗi người mỗi khác. Khả năng nhìn xa trông rộng của cũng không ai giống ai. Khả năng nhìn nhận vấn đề hạn hẹp này được gọi là "tunnel vision".
Nhiều người Mỹ lâm vào cảnh thất nghiệp nhưng không có nghĩa là họ nghèo đói. Những người có thu nhập điều chỉnh dưới 75.000 USD, dù mất việc hay không, đều được liên bang cấp cho khoản tiền 1.200 USD. Ngoài ra, những người mất việc còn có thể xin trợ cấp thất nghiệp của tiểu bang. Từ đây lại sản sinh ra đủ thứ mâu thuẫn.
Rất nhiều người Việt tại Mỹ làm trong nghề thẩm mỹ. Họ thường được các chủ tiệm trả lương và đóng thuế cho ở mức khá thấp, khoảng 15 - 17 USD/ giờ, còn lại nhờ vào tiền tip và các khoản khác.
Khi những người thợ chăm sóc móng tay thất nghiệp, họ được tiểu bang trả 75% số lương lúc đi làm, cộng thêm 600 USD mỗi tuần của liên bang cho, chưa tính tới khoản 1,200 USD "stimulus" (tiền của gói kích thích kinh tế) nữa. Nhiều người bỗng có thu nhập cao hơn cả lúc đi làm nên họ đâu có gì phải phàn nàn.
>>Mặt trái của xã hội Mỹ trong Covid-19
Nhưng không phải ai nộp đơn xin cũng nhận được trợ cấp kịp thời. Các tiểu bang ở Mỹ thì thường là theo Đảng Dân chủ hay Cộng hoà và thói quen này ít thay đổi. Nói về kinh tế, các bang theo Đảng Dân chủ chủ trương đánh thuế cao và cung cấp dịch vụ công tốt đồng thời trợ cấp xã hội nhiều. Các bang theo Đảng Cộng hoà đánh thuế thấp hơn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn và cho người dân có nhiều tiền để tự lo, nhưng dịch vụ công kém hơn và các khoản trợ cấp xã hội cũng ít đi.
Chính vì thế, tuy thất nghiệp nhưng không phải ai cũng lâm vào cảnh thiếu thốn mà còn tuỳ vào nơi họ ở, cho nên mấy tiểu bang Cộng hoà biểu tình đòi mở cửa nhiều hơn tiểu bang Dân chủ.
Ngay cả quỹ trợ cấp cho doanh nghiệp nhỏ cũng gây cho các chủ doanh nghiệp nhiều góc nhìn mâu thuẫn.
Tôi là luật sư. Nhiều tuần nay, các luật sư trong quận hạt hay hỏi nhau xem có ai sắp đi kiện ngân hàng không để họ giới thiệu khách hàng. Đó là những doanh nghiệp nhỏ không nhận được khoản vay cứu trợ. Nếu có ai đó nói với các doanh nghiệp nhỏ đó rằng: không có chuyện công ty lớn hớt tay trên của họ thì có lẽ người đó "phù mỏ". Bởi trong khi họ trắng tay thì các công ty tỷ đô như Shake Shack hay Arby's lại nhận được tiền.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp nhỏ nộp đơn xin các khoản nợ ưu đãi để trả lương cho nhân viên (pay check protection program) và nhận được tiền, họ quả quyết là không có chuyện ưu tiên cho các doanh nghiệp lớn.
Những người đi biểu tình còn có những người yêu sách mấy chuyện hơi vô duyên, như là "tôi cần phải cắt tóc", "trả lại bãi biển cho người dân", hay "con gái tôi cần phải dự lễ tốt nghiệp". Có người lại phát biểu trên truyền hình là "đóng cửa tiểu bang trong khi mới có hơn ngàn người chết là không công bằng với mấy người không bị bệnh". Nghe thật đáng sợ. Nhưng điều này phản ánh suy nghĩ của một số người. Họ không nhìn thấy người chết và họ không bị bệnh nên họ thấy mình rất khoẻ. Đại khái đó là suy nghĩ "chắc bệnh chừa mình ra" và vì vậy, họ không sợ Covid-19.
>>Tôi cách ly tại nhà ở Mỹ, hàng xóm đổ ra biển
Chính vì mỗi người có một lăng kính riêng và không phải ai cũng nhìn xa được nên nước Mỹ mới có cảnh người đổ ra biểu tình đòi mở cửa trở lại. Thật ra thì số người biểu tình cũng không quá nhiều, như là hơn trăm người ở quận hạt trên 3 triệu dân nơi tôi ở. Mấy người đó chỉ cần cho họ làm công ích đi thu gom xác chết do Covid-19 hay làm người quét dọn trong mấy bệnh viện chữa trị bệnh nhân Covid-19 thì họ sẽ chừa liền. Tất nhiên sẽ không có giải pháp nào như vậy cả.
Các chính phủ tiểu bang Mỹ mới là những người ra lệnh đóng cửa ở nhà. Vì vậy mỗi bang sẽ phải trông nhờ vào khả năng chịu đựng kinh tế của mình mà quyết định việc đóng cửa. Không có gì ngạc nhiên khi các tiểu bang ít tiền như Georgia đã mở cửa, còn California thì chưa có dấu hiệu gì.
Còn mỗi người Mỹ cũng vậy, chuyện họ muốn gì trong việc phong toả tuỳ thuộc vào tài chính và khả năng nhận thức của họ nữa. Cái "tunnel vision" đó, ở Việt Nam cũng có một thành ngữ cho vấn đề tương tự, gọi là ếch ngồi đáy giếng.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Khanh