(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Hôm nay đã là ngày thứ 10 tôi sống theo kiểu ở nhà phòng dịch. Mười ngày trước ông Trump tuyên bố tình trạnh khẩn cấp quốc gia. Hôm sau tôi đi mua sắm phòng dịch và bắt đầu chiến dịch cách ly tại nhà dù sức khỏe bình thường. Sáu ngày sau, thống đốc bang California ra lệnh phong tỏa, trừ các hoạt động thiết yếu. California là một trong những bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 ở Mỹ, chỉ sau Washington và New York. Bang này hiện ghi nhận hơn 900 ca nhiễm nCoV, trong đó 19 người đã tử vong.
Cuộc sống cách ly ở nhà tạm được. Tôi nghĩ rằng mình mua sắm đã đầy đủ nên chỉ cần trổ tài nấu nướng là ổn. Thực tế thì mọi thứ không được suôn sẻ như vậy. Tôi mua vịt nhưng không mua gừng, cháo vịt hay bún vịt đều phải quên đi. Hành lá hết nhanh, cà chua không đủ dùng và cho tới giờ thì trữ lượng rau xanh của tôi đã tới mức thấp.
Những lúc chán ngán vì phải ở nhà, tôi lái xe đi ra đường chơi một chút. Ngồi trong xe hơi cửa kính đóng lại, đi trên đường vắng chỉ có vài chiếc xe khác thì chắc cũng không sao. Đi ngang các khu siêu thị thì vẫn có khá nhiều xe đậu phía trước. Thậm chí tôi còn thấy một tiệm làm móng vẫn mở cửa, tôi cũng không rõ là làm móng có phải là dịch vụ thiết yếu hay không.
Điều thú vị nhất mà tôi biết được về dịch vụ thiết yếu liên quan tới hồ bơi. Nơi tôi ở nhà dân có hồ bơi rất nhiều. Hồ bơi thì phải được chăm sóc kĩ lưỡng nếu không thì rêu sẽ mọc xanh. Các cửa hàng và dịch vụ chăm sóc hồ bơi được xem là thiết yếu vì nếu không các hồ bơi sẽ trở thành nơi sản xuất muỗi, vật trung gian truyền virus West Nile. Thời buổi này, chính quyền California cũng không muốn phải bận tâm thêm vì một con virus khác.
>> Tại sao hệ thống y tế Mỹ 'lúng túng' với Covid-19?
Mỗi ngày, ngoài việc làm việc ở máy tính, tôi còn dành thời gian để nghe tổng thống và thị trưởng thành phố họp báo. Ông Trump thì dường như bị sốc trước quy mô của dịch bệnh. Có ngày ông lo lắng cho nền kinh tế và đòi sớm mở cửa đất nước trở lại, hôm thì ông nói rằng cần phải xem xét các dữ liệu y tế. Lúc thì ông mắng mỏ các thống đốc, khi thì ông lại khen ngợi thống đốc tiểu bang New York và California, hai tiểu bang bị ảnh hưởng nặng.
Tình hình ở New York thật khủng khiếp. Một người bà con của tôi đang làm y tá ở New York, chị ấy nói rằng họ đã dừng mọi cuộc phẩu thuật không khẩn cấp và dọn dẹp giường để chuẩn bị đón các bệnh nhân Covid-19. Đấy là cách đây 3 ngày, giờ không thấy chị bắt máy nữa, chắc là đang bận chống dịch.
Ở thành phố nơi tôi ở, tình hình vẫn không tệ. Các bệnh viện chưa quá tải và các bác sĩ làm ở phòng khám gia đình vẫn chưa bị gọi vào cuộc. Bác sĩ của mẹ tôi vì vậy gọi điện nói rằng thay vì đi khám định kì thì bác sĩ sẽ gọi điện thăm hỏi sức khỏe để mẹ tôi không phải ra khỏi nhà. Kể cũng khổ, các phòng khám tư nhân vẫn mở cửa nhưng những bệnh nhân không gặp gì quá nguy hiểm đều ở nhà, không dám ló ra khỏi cửa nên các bác sĩ sinh ra ế ẩm.
Theo thị trưởng thành phố thì đây là hiện tượng trước cơn bão. Mọi thứ yên ổn vì bão chưa tới, hiện giờ quận hạt đang gom góp vật tư y tế, kiếm thêm giường trống, yêu cầu mọi nhân viên trong ngành y sẵn sàng tiếp ứng. Số bệnh nhân nhập viện vẫn còn dưới 30, một con số không quá nhiều với một quận hạt hơn 3 triệu dân.
>> Nỗi sợ của những người Mỹ không bảo hiểm y tế
Không phải ai cũng "ngoan ngoãn" như tôi. Cuối tuần vừa rồi quận hạt có ngày nắng đẹp sau suốt hai tuần mưa gió. Nhiều người đổ ra các bãi biển, công viên, và các đường mòn leo núi. Do đông người nên cũng không thể giữ khoảng cách 2 mét được.
Chiều chủ nhật, quận hạt đã phải đóng cửa toàn bộ công viên, nhiều bãi biển, đóng cửa các khu đậu xe gần bãi biển để người dân về nhà. Thị trưởng nói cứ thế này, cơn bão Covid-19 sẽ tới nhanh lắm, lúc đó những người lang thang ngoài đường sẽ bị bệnh trước.
Việt Nam giờ cũng sắp phải bước vào giai đoạn cách ly tại nhà trên diện rộng. Ai có điều kiện ở nhà thì vẫn còn may mắn vì không phải liều mình ra đường kiếm ăn.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Khanh