Nền kinh tế Mỹ với những kỷ lục ấn tượng nay bị Covid-19 bóc trần, lộ ra những tầng lớp yếu thế đằng sau nhóm người giàu hào nhoáng.
Độc giả Nguyễn Thành Hưng cho rằng: "Tôi nghĩ chủ yếu vẫn đến từ phong cách sống làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu, thậm chí còn ăn trước của một bộ phận lớn người dân khi mà họ quá lạm dụng thẻ tín dụng.
Còn người dân Việt Nam cứ làm 10 ăn 7 giữ lại 3 làm của tích lũy. Nhìn ngoài thấy có vẻ nghèo nhưng tầng lớp giữa nghèo và trung lưu trong nhà họ sẵn sàng có tích lũy ít nhất vài tháng lương để có thể tồn tại mà không quá lo lắng việc phải nghỉ 1-3 tháng không đi làm".
Độc giả có nickname Youtube Lover chia sẻ: "Tôi đang sống ở Mỹ, được cho làm việc từ nhà, hưởng lương đầy đủ. Hôm qua cũng mới khai trong tờ khảo sát. Có câu: trong đại dịch này, điều lo lắng nhất của bạn là gì? Tôi trả lời: Lo nhất là bị mất việc. Lỡ nhiễm bệnh xác suất tui hồi phục cao. Còn việc làm thì còn giữ được bảo hiểm, lương, xui nhất nếu không qua khỏi thì gia đình còn được hưởng bảo hiểm nhân thọ. Chứ một khi mất việc là tui mất trắng hết. Mấy chục triệu người đang tìm việc, tui chen vô sao nổi?"
Độc giả Hồ Nguyên Lý: "Xã hội Mỹ có 3 kiểu người. Vài người ở đỉnh, vô số người ở đáy, còn lại là những người đang rơi tự do. Tầng lớp trung lưu sẽ ngày càng bị đè xuống đáy, tầng lớp thượng lưu ngày càng bước lên bậc cao hơn, còn những người cùng cực vẫn tiếp tục sống trong cùng cực. Hãy quên đi những triết lý sống như kiểu bạn tài năng thì bạn sẽ lên cao được, hay làm giàu không khó đi, viển vông lắm".
Độc giả Nguyễn Hoàng: "Mỹ là một cường quốc, là nền kinh tế số một thế giới, sẽ là thiên đường khi là tầng lớp trung lưu, chứ lao động phổ thông cuộc sống chả như mơ đâu. Tiền kiếm được tính ra tiền Việt thì cao nhưng thuế, chi phí sinh hoạt, bảo hiểm các loại cũng hết. Ở Việt Nam chịu làm thì vẫn giàu có được thôi".
Độc giả Nguyễn Hoàng cho rằng: "Hàng trăm ngàn USD là họ tích cả đời, Việt Nam cũng kiếm được thôi. Nhóm bạn cùng phòng trọ với tôi ra trường làm chục năm ai mà chẳng có nhà vài tỷ, chịu làm và tiết kiệm thì ở đâu chả dư. Qua Mỹ mà gia nhập tầng lớp trung lưu thì qua, giờ qua làm lao động phổ thông, ở lại quê hương cho lành".
Độc giả Nguyễn Thiện: "Nếu nhiều tiền đến thế thì đã chẳng phải trăng trối rằng "Ai sẽ trả những chi phí điều trị này?". Mặt trái xã hội là thứ luôn tồn tại. Và ở Mỹ sự tồn tại ấy chỉ được kiểm chứng khi có những đại nạn như dịch Covid-19".
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.